SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 

Thông qua các đối tác, SIHUB sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thuộc mảng tự động hóa sản xuất thực nghiệm.

 

Sáng ngày 17/5, SIHUB (thuộc Sở KHCN TPHCM) đã tổ chức buổi đối thoại với chủ đề “Công nghệ và Thị trường” nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tại buổi đối thoại, SIHUB đã giới thiệu tổng thể các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong giai đoạn 2019-2020.

SIHUB sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN sản xuất thực nghiệm - 1

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB (thứ 2 từ trái sang)  và bà Marianna Oehlers - Trưởng văn phòng Unicef tại TPHCM (ở giữa) cùng các khách mời tham gia buổi Đối thoại. 

Đối với mảng đổi mới sáng tạo, SIHUB giới thiệu một không gian sáng tạo và thực nghiệm bước đầu được hình thành dành cho startup, học sinh – sinh viên, SME, thanh thiếu niên trong và ngoài trường học, bao gồm thanh thiếu niên thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn.

Đối tác triển khai chính của nội dung này là Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF).

Bên cạnh các khu vực tổ chức sự kiện, khu vực làm việc chung, từ năm 2019, không gian sáng tạo và thực nghiệm sẽ mở thêm Studio Lab (hỗ trợ các dịch vụ quay clip giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, chụp ảnh mẫu sản phẩm, quay các video bài giảng online…); Maker Space (khu vực chế tạo mẫu thử nghiệm – với nhiều thiết bị công nghệ phục vụ cho việc chế tạo mẫu); Open Lab (xưởng sản xuất thực nghiệm – diện tích 1200 m2 với nhiều thiết bị hiện đại để sản xuất và hoàn thiện sản phẩm)…

Bà Marianna Oehlers - Trưởng văn phòng Unicef tại TPHCM cho biết, hiện còn quá nhiều rào cản để giới trẻ, thanh thiếu niên nghèo, có điều kiện khó khăn, thiệt thòi về thể chất tiếp cận các hỗ trợ công nghệ, nền tảng tiếp cận công nghệ nhằm tăng cường các kỹ năng thiết yếu trong thời đại mới để học tập, sống và làm việc.

SIHUB sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN sản xuất thực nghiệm - 2

Đại biểu tham dự buổi Đối thoại. 

Không gian sáng tạo và thực nghiệm là một phần trong những nỗ lực của UNICEF nhằm hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em do UNICEF hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh trong chương trình hợp tác giữa UNICEF và TP.HCM giai đoạn 2017-2021.

Với mảng tự động hóa, thông qua các đối tác như Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện và Hội Cơ khí Việt Nam… SIHUB sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất thực nghiệm. Xưởng sản xuất thực nghiệm của SIHUB được Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất để tạo ra những thành quả tác động tới nền kinh tế.

Chuyển giao công nghệ là hoạt động chủ đạo của SIHUB trong nhiều năm qua. Từ năm 2019, SIHUB liên kết với các trường, viện trong và ngoài nước để xây dựng mô hình trung tâm chuyển giao công nghệ và cổng thông tin chuyển giao công nghệ quốc tế và Việt Nam, từ đó giúp gia tăng chất lượng công nghệ cho doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, SIHUB sẽ liên kết với đối tác Hàn Quốc xây dựng trung tâm nghiên cứu và đào tạo in 3D tại Việt Nam.

Ngoài ra, Tiết kiệm năng lượng cũng là mảng hoạt động “truyền thống” của SIHUB. Thông qua chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia 2019-2030, SIHUB sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác với các đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển để triển khai các chương trình tư vấn tiết kiệm năng lượng, chuyển giao công nghệ hiệu quả năng lượng cho doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB chia sẻ “Với sứ mệnh xây dựng nên một cộng đồng doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo để hòa nhập cùng nền kinh tế thế giới, SIHUB luôn cố gắng mang lại giá trị mới cho cộng đồng, nhất là vun đắp nên thế hệ trẻ sáng tạo, vượt qua các lối mòn trong tư duy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp xứng đáng là những tác nhân tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội”.

 

An Huy - khampha.vn

Sở KH&CN TP.HCM vừa ký biên bản ghi nhớ với Hội Doanh nghiệp Áo về hợp tác trong các hoạt động liên quan đến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp.

 

Ngày 16/5, 50 doanh nghiệp Áo do Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Áo – nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế Áo Harald Mahrer dẫn đầu đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác và dự lễ khai trương văn phòng thương mại giữa Việt Nam và Áo tại TP.HCM.

Chia sẻ tại sự kiện, Ngài Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Áo bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới, cộng đồng Doanh nghiệp Áo sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với phía đối tác Việt Nam mà điển hình là Sở KHCN thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và các nhóm khởi nghiệp.

Trong đó, Áo đặc biệt chú trọng các mảng hợp tác về đào tạo từ bậc đại học, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ, tìm kiếm thị trường cho 2 bên.

Cũng tại sự kiện, Sở KH&CN TP.HCM ký biên bản ghi nhớ với Hội Doanh nghiệp Áo về hợp tác trong các hoạt động liên quan đến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp 2 bên.

TP.HCM hợp tác với Áo thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp - 1

Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM và Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Áo ký kết hợp tác

Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KHCN TPHCM khẳng định TP.HCM đang đặc biệt quan tâm đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ cũng như triển khai xây dựng đô thị sáng tạo và đô thị thông minh.

Theo Tiến sĩ Dũng, trong điều kiện đó, sự hợp tác là cần thiết và Thành phố nhiệt thành chào đón các doanh nghiệp Áo tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, đào tạo và chuyển giao công nghệ.  

“Nội dung thứ nhất được ký kết là hợp tác trong kết nối nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo giữa trường viện, doanh nghiệp. Nội dung thứ 2 là thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thực hiện các đề án mà doanh nghiệp TP.HCM đang quan tâm, đặc biệt là trong lĩnh vực cách mạng công nghiệp 4.0 và đô thị thông minh. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất mong muốn hợp tác trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP.HCM”, ông Nguyễn Việt Dũng nói.

TP.HCM hợp tác với Áo thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp - 2

Các đại diện của Hội doanh nghiệp Áo trình bày những cơ hội 2 bên có thể hợp tác

Chia sẻ về những cơ hội hợp tác giữa TP.HCM và Áo, ông Đào Hà Trung, Hội Công nghệ cao TP.HCM nhận định các công nghệ mới như Blockchain, AI... rất quan trọng với các quốc gia như Việt Nam để có thể vươn ra thị trường thế giới.

TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành Blockchain Hub trong khu vực nhưng sẽ rất cần sự hợp tác cùng nghiên cứu, phát triển với các đối tác quốc tế.

Tại sự kiện, Hội doanh nghiệp Áo và Hội Công nghệ cao TP.HCM cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển các công nghệ 4.0.

 

Phạm Sơn - khampha.vn

Tính đến hiện tại, đã có hơn 20 đơn vị chính thức tham gia Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN, giúp tạo ra cơ sở dữ liệu mở phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập.

 

Sáng 15/5, đã có thêm 9 đơn vị chính thức ký thỏa thuận tham gia Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin Khoa học và Công nghệ.   

Được chính thức triển khai từ năm 2018, đề án liên kết nguồn lực thông tin KH&CN được Sở KH&CN TP.HCM thực hiện với mong muốn tạo ra cơ sở dữ liệu mở về thông tin KH&CN, nhằm phục vụ cho hoạt động tra cứu, tham khảo trong nghiên cứu, học tập.

Thêm 9 đơn vị chính thức tham gia Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN - 1

Số lượng tài liệu hiện có trên hệ thống.

Tính đến hiện tại, hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tại địa chỉ www.stinet.gov.vn. Tính từ tháng 3/2019 đến nay có hơn 3.000 lượt truy cập vào trang web.

Trên hệ thống, người tra cứu có thể tìm thấy các dữ liệu được đóng góp từ Sở KH&N TP.HCM, Trung tâm Thông tin Thống kê KH&CN và 12 tổ chức KH&CN khác gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện. Tổng số tài liệu hiện có trên hệ thống là hơn 145.000 tài liệu, trong đó có 15.308 được chia sẻ toàn văn.

Chia sẻ tại buổi lễ ký kết, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: “TP.HCM là trung tâm lớn về giáo dục, KH&CN của cả nước. Các trường, viện đèu có trung tâm dữ liệu của mình nhưng các trung tâm này chưa liên kết được với nhau”. Bởi vậy, đề án hướng tới việc làm sao để các thông tin được đầy đủ, phong phú và có thể chia sẻ được để tạo thuận lợi cho sinh viên, người nghiên cứu.

Mục tiêu trên đã được đại diện của các đơn vị KH&CN, trường viện hưởng ứng và đánh giá cao. Tuy nhiên, với góc nhìn của người trong cuộc, đại diện các đơn vị cũng nêu ra những lo lắng xung quanh việc thực hiện đề án. Trong đó, vấn đề bản quyền là điều mà nhiều chuyên gia lo lắng.

Thêm 9 đơn vị chính thức tham gia Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN - 2

Vấn đề bản quyền tác giả là điều mà đại diện nhiều đơn vị lo lắng 

Bà Hoàng Tuyết Anh, Giám đốc Thư viện ĐH Kinh tế TP.HCM lo ngại nếu chia sẻ toàn văn tài liệu sẽ rất khỏ đảm bảo được bản quyền cho tác giả. Thực tế, rất nhiều bản luận văn bị các chợ luận văn, các trang web kinh doanh tài liệu khai thác trái phép. Nhà giáo nhân dân Đỗ Văn Xê, hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng nhận xét điều này không chỉ ảnh hưởng tới bản quyền tác giả mà nhiều khi còn khiến cho chính các thầy cô trong trường bị hiểu nhầm dẫn tới mang tiếng oan.

Bởi vậy, đại diện các đơn vị đều nhấn mạnh việc phải có các quy định rõ ràng về việc chia sẻ tài liệu, đặc biệt là các tài liệu toàn văn. Ngoài ra, hệ thống từ khóa, chỉ mục cũng rất cần được quan tâm để đảm bảo tính hiệu quả và khả năng mở rộng của hệ thống.

Thêm 9 đơn vị chính thức tham gia Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN - 3

Ông Nguyễn Kỳ Phùng Phó giám đốc, đại diện Sở KH&CN TP.HCM  (thứ 2 từ phải sang) và các đơn vị ký kết thỏa thuận hợp tác tại Lễ ký kết do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức vào sáng nay (15/5).

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Kỳ Phùng đã đại diện Sở KH&CN TP.HCM ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 đơn vị mới tham gia hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN.

Sự tham gia của các đơn vị này sẽ góp phần quan trọng mở rộng số lượng tài liệu đang có trên hệ thống và tạo tiền đề để thu hút thêm ngày càng nhiều các đơn vị tham gia cùng Sở KH&CN TP.HCM thực hiện thành công đề án.

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Chính doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp mình và từ đó kết hợp với các trường, viện, đặt ra các đề tài hay cho trường, viện.

 

Sáng 14/5, hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.HCM” do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức đã thu hút sự tham gia góp ý của nhiều trường, viện, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Cuối năm 2018, UBND TP.HCM đã ra quyết định về danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020”. Trong đó, 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm có: Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Sản phẩm thiết bị điện; Sản phẩm từ nhựa, cao su; Sản phẩm thực phẩm chế biến; Sản phẩm đồ uống; Sản phẩm điện tử - CNTT và Sản phẩm Trang phục may sẵn. Ngoài ra, nhóm sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu được xác định là nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.

Điều này đã nhận được sự phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng để nhóm sản phẩm trên được phát triển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố thì còn rất nhiều việc phải làm.

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: DN phải chủ động hơn - 1

Đại diện Sở KH&CN, Sở Công thương và các trường ĐH, doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nhận định các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, cần sự tham gia, phối hợp của nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Bản thân Sở Công thương cũng đã chủ động phối hợp với các Sở ngành để giúp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

“Nhiều chính sách đã được đưa ra để giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được các chính sách này. Bởi vậy, chúng ta cần có các chính sách mà doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Những ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo sẽ là những góp ý quan trọng để điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách”, ông Đông nói.

Một yếu tố khác được các chuyên gia đề cập tới trong câu chuyện phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực là phải tăng cường sự gắn kết 3 nhà (Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhận xét về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết đây là điều đã được nói đến nhiều nhưng kết quả thực tế vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Bởi vậy, GS.TS Phùng cho rằng sẽ cần những thay đổi trong cách làm để chủ trương này thực sự đem lại kết quả.

GS.TS Phùng nói: “Hiện nay, hơn 95% doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực nên sự song hành với nhau giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp lớn phải thực hiện vai trò đi đầu, dẫn dắt để tạo ra các công nghệ nền.”

Ngoài ra, bản thân các nhà trường cũng cần có sự thay đổi. Để thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu rất cần những tổ chức trung gian. Trong đó, việc thành lập các doanh nghiệp trong trường ĐH là cách làm hiệu quả. Ngoài ra, bản thân nhà trường cũng cần có sự thay đổi cơ cấu như mời doanh nghiệp tham gia cùng nhà trường, xây dựng chương trình đào tạo.

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: DN phải chủ động hơn - 2

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng sự liên kết 3 nhà hiện nay vẫn chưa hiệu quả

Với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện Quang, cũng cho rằng các nghiên cứu trong trường ĐH trước đây thường mang tính kỹ thuật mà chưa xem đến khía cạnh thị trường. Điều này dẫn đến việc sản phẩm nghiên cứu ra tuy tốt nhưng giá quá cao, không được thị trường đón nhận.

Rút kinh nghiệm đó, công ty Điện Quang đã hợp tác với trường ĐH Bách Khoa TP.HCM phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng LED với sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM theo mô hình mới. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đặt hàng cho trường ĐH và đồng hành ngay từ đầu quá trình nghiên cứu. Hiện tại, sản phẩm nghiên cứu đang được thử nghiệm và cho kết quả tích cực.

“Từ kinh nghiệm đã có, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp phải là người chủ động. Chính doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp mình và từ đó kết hợp với các trường, viện, đặt ra các đề tài hay cho trường, viện. Đồng thời, khi hợp tác cần phải xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi bên ngay từ ban đầu”, ông Toản cho biết.

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: DN phải chủ động hơn - 3

Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu ký kết thỏa thuận hợp tác tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, 6 biên bản thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu nhắm hình thành các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố đã được ký kết. 

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học, mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam.

 

Chào mừng 56 năm Ngày KH&CN Việt Nam (18/5/1963 - 18/52019), Sở KH&CN TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện chuyên môn đặc biệt, bao gồm các hoạt động hội thảo, tọa đàm, truyền thông với chủ đề chính: “Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo - Động lực phát triển kinh tế xã hội”.

Thông qua chuỗi sự kiện này, Sở KH&CN TP.HCM phối hợp cùng các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học … giới thiệu những thành tựu khoa học và công nghệ của thành phố trong thời gian qua. Đồng thời trao đổi, thảo luận và tiếp tục tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến việc ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo trong hoạt động quản lý, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động.

Chuỗi sự kiện Ngày KH&CN Việt Nam 2019 bao gồm: Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố”; Hội nghị “Phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố”; Hội nghị “Tổng kết 10 năm hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cơ sở’’; Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm; Các lớp tập huấn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ v.v…

Hàng loạt sự kiện chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5 - 1

Khai mạc “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm” sáng ngày 9/5.

Theo đó, sáng ngày 14/5, diễn ra Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh”.

Đây chính là điểm gặp gỡ quan trọng để các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học có điều kiện tìm hiểu, giới thiệu danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực được thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn 2018 – 2020; chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, các chính sách hỗ trợ về nghiên cứu khoa học và công nghệ của thành phố. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Với mục tiêu chú trọng vào cơ chế xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu nhằm hỗ trợ và thúc đẩy việc hình thành, phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, hội thảo cũng kỳ vọng các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học chia sẻ thẳng thắn những quan điểm, góc nhìn thiết thực để cùng nhau tạo ra sự hợp tác mới.

Trong khuôn khổ hội thảo này cũng diễn ra lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu nhằm hình thành và thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, hỗ trợ hình thành các sản phẩm về lĩnh vực cơ khí, công nghệ thông tin, thực phẩm, hóa dược thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.

Một sự kiện quan trọng khác liên quan đến các doanh nghiệp KH&CN trong tuần lễ này là hội nghị “Phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố”. Bên cạnh việc ra mắt Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN với Ban điều hành nhiệm kỳ đầu tiên, Sở KH&CN phối hợp với Cục thuế TP.HCM sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp quy trình thành lập/chuyển đổi cũng như hướng dẫn những nội dung ưu đãi về thuế thu nhập cho các doanh nghiệp KH&CN.

Hàng loạt sự kiện chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5 - 2

Dây chuyền sản xuất được ứng dụng công nghệ ‘không sinh bụi, không tiếp xúc’ tại nhà máy sản xuất dược phẩm thuộc công ty SAVIPHARM. SAVIPHARM là doanh nghiệp thứ 62 tại TP.HCM vừa được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 

Ngoài ra, liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, 2 lớp tập huấn về “Hướng dẫn đăng ký sáng chế liên quan đến chủng vi sinh” và “Hướng dẫn đăng ký sáng chế liên quan đến gen” sẽ là những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 2019 tại TPHCM.

Trong thời gian tới, Sở KH&CN TP.HCM vẫn tiếp tục dành ưu tiên trong việc phát triển và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, hướng tới mục tiêu chung sức xây dựng thành công một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế – xã hội; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN và thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam.

Đây là ngày trọng đại đối với ngành KH&CN nước nhà, nhằm tuyên truyền rộng rãi các thành tựu KH&CN, tôn vinh đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò đặc biệt quan trọng của KH&CN trong cuộc sống và trong sự phát triển của đất nước. Qua đó khuyến khích tinh thần say mê nghiên cứu khoa học và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. 

N.Hương - khampha.vn

Doanh nghiệp công nghệ cao không quá trông đợi vào các chính sách hỗ trợ mà quan trọng nhất là họ cần những "không gian thử nghiệm" để ứng dụng, đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình đến cộng đồng.

 

Ngày 10/5, Sở KH&CN TP.HCM cùng với Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức hội thảo “Các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM”. Buổi hội thảo nhằm giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp những chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghệ cũng như ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trên cho phù hợp với tình hình thực tế.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho rằng những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, cho ra đời những sản phẩm công nghệ cao. Bản thân Sở KH&CN TP.HCM cũng có nhiều chính sách, chương trình để thực hiện mục tiêu này.

“Tuy nhiên, những chính sách này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đã có một số doanh nghiệp quan tâm và tận dụng được những ưu đãi này nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa biết tới hoặc chưa quan tâm”, GS.TS Phùng nói.

Cần "không gian thử nghiệm" cho các sản phẩm công nghệ cao - 1

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng phát biểu tại hội thảo

Mới đây, UBND TP.HCM đã công bố danh mục gồm 43 sản phẩm công nghệ cao thuộc 6 nhóm ngành được thành phố ưu tiên đầu tư. Tại TP.HCM, tính đến cuối năm 2018, đã có 11 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và hoạt động ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Theo Luật Công nghệ cao (2008), doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế nhập khẩu. Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam sản xuất sản phẩm thuộc danh mục trên cũng được ưu tiên xét chọn tham gia thực hiện dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến 2020 về tạo điều kiện ứng dụng, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao; hỗ trợ một phần kinh phí quảng bá sản phẩm, bảo lãnh vốn vay...

Ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM), cho biết ngoài các chính sách trên, TP.HCM còn có nhiều chính sách khác như chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất, vốn vay cho các dự án đầu tư xây dựng, trang bị công nghệ, thiết bị; hỗ trợ đến 100% tổng kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố...

Những hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ, sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu cũng được nhiều hỗ trợ, trong đó, ngân sách có thể hỗ trợ đến 30% tổng kinh phí thực hiện.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những chính sách, hoạt động hỗ trợ kể trên.

Tuy nhiên, theo ông Trung, đó không phải điều mà doanh nghiệp cần nhất bởi hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ cao không cần được hỗ trợ mà muốn được cống hiến những kết quả nghiên cứu, sản phẩm của mình cho xã hội. Khi hướng tới thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thay vì trông đợi vào việc xin hỗ trợ từ nhà nước.

Cần "không gian thử nghiệm" cho các sản phẩm công nghệ cao - 2

Ông Đào Hà Trung cho biết các doanh nghiệp công nghệ cao hiện này mong muốn cơ hội được cống hiến thay vì trông chờ hỗ trợ của nhà nước 

Ông Trung nói: “Hỗ trợ của Nhà nước quan trọng nhưng điều các doanh nghiệp công nghệ cao cần nhất không phải là được hỗ trợ mà họ mong muốn được ứng dụng công nghệ của họ. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn Sở KH&CN có thể tạo ra “không gian thử nghiệm” cho doanh nghiệp công nghệ cao có thể ứng dụng thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp và từ đó điều chỉnh về sản phẩm, quy định, chính sách liên quan".

Theo ông Trung, những không gian thử nghiệm này không nhất thiết phải là không gian địa lý cụ thể mà cơ hội kết nối các doanh nghiệp với những đơn vị sẵn sàng sử dụng các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cao.

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Techmart năm nay giới thiệu hơn 100 công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm của 53 đơn vị tại TP.HCM

 

Sáng 9.5, “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm” (Techmart) đã chính thức khai mạc.

Đây là hoạt động thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp 'khoe' giải pháp nông nghiệp 4.0 tại chợ công nghệ Techmart - 1

Đại diện Ban tổ chức cắt băng khai mạc “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm” 

Kỳ Techmart năm nay giới thiệu hơn 100 công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm của 53 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM.

Tất cả công nghệ, giải pháp được trưng bày, giới thiệu tại Techmart đều sẵn sàng cung cấp chuyển giao. Trong đó, có nhiều công nghệ, sản phẩm tiên tiến, nổi bật như các giải pháp nông nghiệp 4.0 giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng như Hệ thống quản lý nông trại thông minh kết hợp cảm biến dựa trên công nghệ đám mây, Máy bay không người lái phun thuốc - theo dõi sức khỏe cây trồng; các phương pháp bảo quản, chế biến thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao...

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Techmart còn có 16 chuyên đề hội thảo giới thiệu, trình diễn công nghệ và hoạt động tư vấn của các chuyên gia để giúp các đơn vị, doanh nghiệp tìm được những công nghệ, thiết bị phù hợp cũng như cơ hội hợp tác kinh doanh.

Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, nhận định trong năm 2018, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng đạt 3,76%; kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD.

Doanh nghiệp 'khoe' giải pháp nông nghiệp 4.0 tại chợ công nghệ Techmart - 2

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM tham quan các gian hàng

Tuy nhiên, nông sản Việt Nam thường thua kém các nước khác từ 15% - 50% giá trị do chênh lệch về chất lượng. Lượng nông sản thất thoát thường từ 9% - 17%, thậm chí một số nơi là 20% - 30%. Theo GS.TS Phùng, một trong những nguyên nhân của những bất lợi này là do hạn chế về ứng dụng công nghệ trong các khâu trồng trọt, vận chuyển bảo quản và chế biến sau thu hoạch.

“Ban tổ chức hy vọng Techmart chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, thu hút doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào chế biến nông sản, thực phẩm; ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất quy mô lớn”, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng nói.

Đại diện ban tổ chức cho biết đã nhận được 120 yêu cầu công nghệ thiết bị. Tại buổi lễ khai mạc, 4 biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển giao công nghệ, thiết bị đã được ký kết.

Doanh nghiệp 'khoe' giải pháp nông nghiệp 4.0 tại chợ công nghệ Techmart - 3

Tại lễ khai mạc, đã có 4 biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ, thiết bị được ký kết

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở nước ngoài nhưng khi biết về Techmart chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm, ông Hoàng Tuấn đã trở về để tham dự. Đánh giá về những thiết bị, công nghệ được giới thiệu tại sự kiện, ông Tuấn hào hứng cho biết: “Các gian hàng được sắp xếp tươm tất. Cách trưng bày, quảng bá sản phẩm cũng rất tốt. Tôi thấy có nhiều sản phẩm thiết bị mới rất hay và muốn được tư vấn để tìm hiểu rõ hơn.”

Techmart được tổ chức trong 2 ngày 9/5 - 10/5 tại Sàn Giao dịch Công nghệ - Techmart Daily, 79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.

Một số hình ảnh tại buổi khai mạc Techmart chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm: 

Doanh nghiệp 'khoe' giải pháp nông nghiệp 4.0 tại chợ công nghệ Techmart - 4

Doanh nghiệp 'khoe' giải pháp nông nghiệp 4.0 tại chợ công nghệ Techmart - 5

Doanh nghiệp 'khoe' giải pháp nông nghiệp 4.0 tại chợ công nghệ Techmart - 6

Doanh nghiệp 'khoe' giải pháp nông nghiệp 4.0 tại chợ công nghệ Techmart - 7

Doanh nghiệp 'khoe' giải pháp nông nghiệp 4.0 tại chợ công nghệ Techmart - 8

Doanh nghiệp 'khoe' giải pháp nông nghiệp 4.0 tại chợ công nghệ Techmart - 9

 

Phạm Sơn - khampha.vn

Đại diện ban tổ chức cho biết sự kiện sẽ thu hút 53 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM trưng bày, giới thiệu và sẵn sàng chuyển giao hơn 100 công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước.

 

Thực hiện chương trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm” (Techmart chuyên ngành chế biến thực phẩm).

Sự kiện diễn ra từ ngày 09 - 10/05/2019 tại Sàn Giao dịch Công nghệ – Techmart Daily, 79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.

Hàng loạt công nghệ, thiết bị tiên tiến chờ chuyển giao tại Techmart chế biến thực phẩm 2019 - 1

“Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm” sẽ giới thiệu hơn 100 công nghệ, thiết bị tiên tiến từ 53 đơn vị

Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành là sự kiện thường niên do CESTI tổ chức nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường phục nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh.

Đại diện ban tổ chức cho biết sự kiện đã thu hút 53 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM trưng bày, giới thiệu và sẵn sàng cung cấp chuyển giao hơn 100 công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước.

Techmart năm nay tập trung giới thiệu các giải pháp nông nghiệp 4.0 giúp tiết kiệm chi phí trồng trọt và nâng cao chất lượng nông sản cùng các phương pháp bảo quản, chế biến tạo ra thực phẩm có chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao, không tồn dư các hóa chất độc hại và an toàn cho người sử dụng.

Một trong những thiết bị chế biến thực phẩm lần đầu tiên được giới thiệu tại Techmart là Máy chẻ hạt điều tự động được thiết kế theo công nghệ mới CNC với khả năng cắt vỏ, tách nhân hạt điều ra khỏi vỏ cứng với năng suất vượt trội lên đến 120-180kg mỗi giờ. Với tỷ lệ bể hạt dưới 10% và tỷ lệ sót hạt thấp dưới mức 5%, thiết bị này có thể liên kết thành một hệ thống tự động khép kín, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sản xuất cần bóc tách hạt điều khối lượng lớn, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và cung cấp sản phẩm có lượng dinh dưỡng cao cùng nhiều chất khoáng có lợi cho sức khỏe.

Một thiết bị tiêu biểu khác là hệ thống quản lý nông trại thông minh NetBeat kết hợp các cảm biến trên cánh đồng, nhà lưới với bộ quản lý trung tâm dựa trên công nghệ đám mây để thu thập số liệu thực tế và đưa ra các đề xuất cho người nông dân về chế độ dinh dưỡng, tưới tiêu cho cây trồng phù hợp với nhu cầu từng giai đoạn của cây, giúp người nông dân canh tác một cách đơn giản và hiệu quả cao, tiết kiệm các nguồn lực.

Hàng loạt công nghệ, thiết bị tiên tiến chờ chuyển giao tại Techmart chế biến thực phẩm 2019 - 2

Giải pháp canh tác thông minh NetBeat - Một trong những công nghệ, thiết bị nổi bật sẽ được giới thiệu tại Techmart 2019

Ngoài ra, Techmart còn trưng bày, giới thiệu nhiều công nghệ, thiết bị nông nghiệp công nghệ cao như: Thiết bị tiệt trùng không khí ứng dụng công nghệ plasma; Thiết bị đóng gói khí cải tiến; Thiết bị lên men ứng dụng trong nuôi trồng các loại trùng thảo; Quy trình công nghệ và thiết bị xử lý, bảo quản và ủ chín xoài nhằm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; Công nghệ sấy dẻo trái cây, bún tươi và bánh tráng bằng hệ thống sấy năng lượng mặt trời;…

Bên cạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị, 16 chuyên đề hội thảo sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Techmart nhằm đem đến cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà sản xuất những lựa chọn hiệu quả giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, khu vực tư vấn chuyên gia về công nghệ cũng là hoạt động không thể thiếu của Techmart. Ban tổ chức đã triển khai khảo sát nhu cầu doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, sắp xếp lịch và mời các chuyên gia nhiều kinh nghiệm tham gia tư vấn, giải đáp nhu cầu công nghệ cho các doanh nghiệp và cá nhân ngay tại sự kiện..

Với những hoạt động đó, Ban tổ chức hy vọng Techmart trồng trọt, chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có điều kiện tiếp cận đến các thành quả KH&CN phát triển khả năng đổi mới sáng tạo để nâng cao giá trị gia tăng trong năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

Danh sách 16 chuyên đề hội thảo trong khuôn khổ Techmart trồng trọt, chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm

THỨ NĂM, 9/5/2019

Sáng:

- “Máy bay không người lái ứng dụng trong phun thuốc, theo dõi sức khỏe cây trồng và quản lý nông trại” – Ông Nguyễn Tuấn Trung và ông Nguyễn Văn Thiên Vũ, Công Ty Cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam – AGS

- “Công nghệ nhân giống vi sinh vật và sản xuất sinh khối các loại nấm bằng hệ thống Bioreactor” – ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Giám đốc Công ty TNHH CNSH Bốn Mùa

- “Công nghệ tự động hóa điều tiết dinh dưỡng, vi sinh và tưới nhỏ giọt ứng dụng vi mạch kết hợp IoT” – Ông Phan Thanh Huy Cường, Công ty TNHH TM DV KT SX O&M

- “Quy trình công nghệ và thiết bị chế biến cacao” - ThS. Phạm Duy Lam, Trung Tâm Năng Lượng Và Máy Nông Nghiệp - Đại Học Nông Lâm TP.HCM

Chiều:

- “Công nghệ đóng gói khí cải tiến trong chế biến thực phẩm” – Ông Lê Trung Tính, Công ty Cổ phần Rynan Agrifoods

- “Ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp” – Bà Đinh Ngọc Vân Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lượng Mặt trời Việt Nam

- “Ứng dụng thiết bị sấy năng lượng mặt trời cho các loại nông thủy sản Việt và hiệu quả mang lại” – Ông Nguyễn Mạnh Tuân, TGĐ Công ty CP Công nghệ Năng lượng bền vững Việt Nam (SETECH)

- “Thiết bị đo đa chỉ tiêu trong nông nghiệp: độ dẫn điện, độ mặn, chỉ số pH” – ThS. Nguyễn Thị Nhật Quỳnh, Viện Vật Lý TP.HCM

- “Quy trình công nghệ và thiết bị xử lý, bảo quản và ủ chín xoài nhằm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” – TS. San Trâm Anh, Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch

THỨ SÁU, 10/5/2019

Sáng:

- “Thiết bị lên men ứng dụng trong nuôi trồng các loại trùng thảo” - ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Giám đốc Công ty TNHH CNSH Bốn Mùa

- “Giải pháp đông khô mẫu trong kiểm soát chất lượng sản phẩm” – Ông Leong Siang Chin, Chuyên gia tư vấn BUCHI Singapore Pte., LTd

- “Công nghệ sấy dẻo trái cây bằng hệ thống sấy năng lượng mặt trời” – ThS. Phan Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS

- “Thiết bị Anolyte - Ứng dụng diệt nấm khuẩn, giảm dư lượng thuốc BVTV cho cây trồng và chế biến nông sản” – Ông Phan Thành Trung, Công ty 7S

Chiều:

- “Giải pháp nông nghiệp hiệu quả trọn gói ứng dụng công nghệ Israel” – Bà Nguyễn Thanh Nhàn và bà Lê Thị Minh Phượng, Công ty Cổ phần Nam Du Argos Việt Nam

- “Giải pháp nhà màng thông minh và tối ưu chi phí trong thời đại 4.0” – Bà Lê Thị Kim Cương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Mỹ Kim

- “Công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm trong nông nghiệp” – Ông Nguyễn Minh Đức, Công ty TNHH Nông Nghiệp và Thực Phẩm Nhà Bè

Phạm Sơn - khampha.vn

Điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:
Căn cứ Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN gồm có:
a) Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp. 
b) Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định.
Doanh nghiệp thuộc một trong hai trường hợp:
- Có năng lực tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực tạo ra kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.
- Có năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện cần thiết (quy định tại mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP) để triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
c) Đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.
- Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên: có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Việc xác định tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (có thể kê khai theo kết quả kinh doanh của quý hoặc năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, họp pháp của thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp hàng năm để thực hiện việc quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
- Đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm: không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.

Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:
Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN bao gồm:
a) Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP
b) Văn bản xác nhận, công nhận kết quả KH&CN của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP
c) Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN theo mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.
Đối với kết quả KH&CN là tài sản được hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước theo quy định của Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, doanh nghiệp cần có Quyêt định giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường họp sau khi được cấp bị hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN quy định tại Điều 10 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.
Xem toàn văn hướng dẫn tại Công văn số 1048/BKHCN-PTTTDN

Những kiến thức về sở hữu trí tuệ với thể thao, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ được giới thiệu cho hơn 200 sinh viên, giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng.

 

Nhằm truyền tải thông điệp của ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2019 (26/4) “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và Thể thao” đến rộng rãi cộng đồng, Sở KH&CN TP.HCM cùng trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ phối hợp tập huấn “Giới thiệu pháp luật sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” và cuộc thi “Sinh viên với Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo”. Chương trình sẽ được tổ chức tại trường ĐH Tôn Đức Thắng trong 2 ngày 24/4 và 25/4/2019.

Đại diện phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ - Sở KH&CN TP.HCM, cho biết: “Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới thể thao, khám phá cách thức mà đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ hỗ trợ sự phát triển và sự tận hưởng thể thao trên khắp thế giới. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các thành quả sáng tạo khác.”

Sở KH&CN TP.HCM mang thông điệp Sở hữu trí tuệ và Thể thao tới giới trẻ - 1

Trước đó, sự kiện hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ 2018 do Sở KH&CN TP.HCM phối hợp trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM tổ chức đã thu hút đông đảo các bạn trẻ

Dự kiến, cuộc thi “Sinh viên với Sở hữu trí tuệ và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” sẽ thu hút hơn 200 giảng viên, sinh viên tham gia tìm hiểu kiến thức về sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và thể thao. Ban cố vấn của cuộc thi gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Sở KH&CN TP.HCM.

Đồng thời, trong 2 ngày 24/4 - 25/4, ban tổ chức sẽ tổ chức giới thiệu, cung cấp các kiến thức về chủ đề của ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2019 nhằm mang lại cái nhìn rõ ràng về những đóng góp của hoạt động sở hữu trí tuệ với sự phát triển của thể thao.

Người tham dự sẽ được tìm hiểu về nội dung này thông qua clip về Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới do Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp, những hình ảnh nổi bật của thể thao Việt Nam; các công cụ sở hữu trí tuệ như phát thanh, truyền thông góp phần phát triển nền thể thao; các thương hiệu, sự đóng góp của thương hiệu giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận từ các thỏa thuận tài trợ, giấy phép… và các sản phẩm công nghệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… giúp nâng cao thành tích thể thao.

Đồng thời, ban tổ chức sẽ triển khai các hoạt động tư vấn về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với sự tham gia của văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Tp.HCM, Sở KH&CN TP.HCM, trường ĐH Tôn Đức Thắng và các đại diện sở hữu công nghiệp.

 

Phạm Sơn - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353