Đây là Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ chính thức diễn ra vào lúc 13 giờ 30, ngày 09/6/2023 (thứ Sáu) tại Hội trường 1 Trung tâm Hội nghị 272 (số 272 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) và phát trực tiếp trên trang fanpage: https://www.facebook.com/DOSTHCM.
Theo Đại diện Ban tổ chức, Hội thảo nhằm hướng đến các mục tiêu: Định hướng cho Doanh nghiệp, Trường, Viện phát huy đầy đủ vai trò của khoa học và công nghệ, hướng đến hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tổ chức xuất sắc tập trung phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội Thành phố. Cũng như, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số.
Thành phần đại biểu được mời tham dự Hội thảo là đại diện các Sở, ban, ngành; Trường Đại học, cao đẳng; Doanh nghiệp, Viện, Trung tâm nghiên cứu; chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi Hội thảo này, các diễn giả cũng sẽ báo cáo 3 tham luận gồm các chủ đề:
(1) “Khoa học và công nghệ tham gia vào xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội Thành phố” của PGS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
(2) “Vai trò của KH&CN ứng dụng phát triển doanh nghiệp” của TS. Bùi Thanh Luân - Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, Giảng viên Trường Đại học Bách Khoa.
(3) “Phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số” của TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.
Cũng tại Hội thảo, Ban tổ chức sẽ tập trung làm rõ các vấn đề sau: Vai trò của khoa học và công nghệ ứng dụng phát triển doanh nghiệp; Khoa học và công nghệ tham gia vào xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội Thành phố; Tầm quan trọng của tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số, những khó khăn, vướng mắc để tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc.
Nhật Linh
Ngày 05/6/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo giới thiệu Chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), tuy nhiên vẫn cần những chương trình hợp tác cụ thể, có chiều sâu hơn hướng đến giải quyết các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. Trong năm 2022, Sở KH&CN TP.HCM đã triển khai thí điểm mô hình hợp tác ươm tạo quốc tế thông qua Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và Tổ chức Tech7 (Israel) với tên gọi VICAP 2022. Đây là chương trình có sự tham gia hợp tác chung giữa hai quốc gia với mục tiêu ươm tạo các nhà khởi nghiệp, tài năng trẻ của cả Việt Nam và Israel. Nhận thấy giá trị và hiệu quả của chương trình này, Sở KH&CN mong muốn giới thiệu đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố để cùng chung tay thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về các chương trình nâng cao năng lực, ươm tạo, kết nối và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần đưa doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đến gần hơn với sân chơi toàn cầu.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (đại diện BSSC) cho biết, chương trình VICAP 2022 có mục tiêu thử nghiệm mô hình hợp tác ươm tạo khởi nghiệp giữa một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam (BSSC) và một tổ chức tương tự quốc tế (Tech7). Kết quả của chương trình là tuyển chọn được 1 đội xuất sắc nhất (bao gồm thí sinh người Việt Nam và thí sinh người Israel) tham dự chương trình về đổi mới sáng tạo trong vòng 1 tuần tại Israel. Các hoạt động trong chương trình gồm thuyết trình tại demoday; đánh giá từ doanh nghiệp (về khả năng áp dụng thực tế của giải pháp); cập nhật của team, sự tham gia và bài tập nhóm; đánh giá của mentor; làm việc nhóm. Đặc trưng trong chương trình này là xây dựng nhóm (team) với số lượng từ 3 - 5 người, phải đa dạng về quốc tịch, kỹ năng, nền tảng học vấn, giới tính,…
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (đại diện BSSC) chia sẻ những kinh nghiệm qua triển khai chương trình VICAP 2022
Theo bà Hằng, những ấn tượng sau chương trình này là có sự tham gia của nhiều đối tác là các tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học; tác động của chương trình VICAP không chỉ là giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, mà còn là nơi giúp các doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự. Đặc biệt, tỷ lệ tham gia cho thấy, chương trình thu hút 424 thí sinh phía Việt Nam, phía Israel là 23 thí sinh. Trong đó, 394 là sinh viên, 24 là starup và người đi làm, còn lại là du học sinh. Điều này cho thấy các trường đại học của Việt Nam đang có nhu cầu và sự quan tâm lớn đối với việc tham gia các chương trình quốc tế. Đây là động lực để các tổ chức ươm tạo kết nối, phát triển nhiều chương trình hợp tác ươm tạo quốc tế hữu ích hơn nữa.
Qua triển khai chương trình VICAP 2022, bà Hằng chia sẻ kinh nghiệm cần có thời gian để tìm kiếm các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính, sẵn sàng đồng hành và tài trợ cho chương trình với mục tiêu “săn người giỏi” và giải quyết các thách thức đang tồn tại trong doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể nhân rộng mô hình, lựa chọn một số quốc gia phát triển khác, tương đồng về văn hóa, múi giờ,…
Sinh viên Nguyễn Châu Anh (đại diện dự án chiến thắng VICAP 2022) chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo
Về các chương trình/chính sách hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ trong hoạt động hỗ trợ hợp tác ươm tạo quốc tế, bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ) cho biết, thời gian qua Sở đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế như mô hình Saigon Innovation Hub; phối hợp các đối tác quốc tế từ Phần Lan, Hàn Quốc tổ chức các hội thảo quốc tế về nhiều lĩnh vực như khởi nghiệp ĐMST, smart city, chuyển đổi số; tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM; hoạt động học tập và tham quan các mô hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các nước như Phần lan, Úc, New Zealand, Canada, Israel,… qua đó tham mưu và đề xuất chính sách cho TP.HCM.
Hiện nay, Sở tập trung vào các chính sách phối hợp với cộng đồng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở 3 nhóm chính gồm Tổ chức huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức các sự kiện kết nối, truyền thông hỗ trợ hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; ươm tạo các dự án khởi nghiệp ĐMST.
Quyền lợi của các chính sách này là mỗi dự án hợp tác về khởi nghiệp ĐMST được xem xét phối hợp một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước (30-50% tổng kinh phí thực hiện), thời gian thực hiện không quá 1 năm. Điều kiện của chính sách này là hợp tác với các tổ chức quốc tế thông qua một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (hiện có 43 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM). Tiêu chí ưu tiên của chính sách là hỗ trợ các dự án thuộc các lĩnh vực mà Thành phố đang quan tâm như chuyển đổi số, AI, IoT, block chain, Big data, y tế, giáo dục, Govtech,… Một số nội dung Sở sẽ phối hợp/hỗ trợ theo quy định nhà nước gồm công tác chuẩn bị, truyền thông chương trình; công tác tuyển chọn; tổ chức các khóa huấn luyện; tổ chức các sự kiện kết nối; thuê cố vấn cho dự án ươm tạo. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST có dự án hợp tác ươm tạo quốc tế có thể đề xuất với Sở KH&CN để ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện.
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở KH&CN TP.HCM và Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk (Hàn Quốc)
Tại hội thảo Sở KH&CN TP.HCM và Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk (Hàn Quốc) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm, với hệ sinh thái hơn 40 vườn ươm cùng nhiều tổ chức hỗ trợ của TP.HCM, Sở mong muốn nhân rộng mô hình VICAP để đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác quốc tế, cũng như giúp cho các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận môi trường quốc tế, không chỉ giải quyết được thách thức của mình mà còn tận dụng được nguồn lực thị trường nước ngoài.
Lam Vân (CESTI)
Đây là chủ đề báo cáo của Hội thảo mà Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank tổ chức nhằm tham vấn các chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố đối với dự thảo nội dung của báo cáo này trước khi nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới hoàn chỉnh báo cáo chính thức gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Ngày 30/05/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank đã tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo của Ngân hàng thế giới về “Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng trưởng cao tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở, TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở và đại diện phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ cũng như một số phòng ban chuyên môn thuộc Sở. Về phía Ngân hàng thế giới World Bank có TS. Marcin Piatkowski - Nhà Kinh tế trưởng và Quản lý dự án Phát triển kinh tế tư nhân, TS. Anwar Aridi và TS. Đặng Quang Vinh - Chuyên gia cao cấp cùng gần 100 đại biểu là đại diện của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thành phố gồm các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện, TP. Thủ Đức, các trường viện, các trung tâm ươm tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia, quỹ đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Hội thảo thu hút đã được gần 100 đại biểu là đại diện đến từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thành phố cùng tham dự
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM - Nguyễn Việt Dũng cho rằng, Khoa học và Công nghệ nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, một phần quan trọng là nhờ chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước. Chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và các đối tác trên thế giới. Hợp tác quốc tế về Khoa học và Công nghệ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nó là nguồn lực to lớn, cầu nối, kênh dẫn không thể thiếu được đối với các hoạt động Khoa học và Công nghệ của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng không nằm ngoài xu thế này.
TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM phát biểu tại Hội nghị
Cũng theo TS. Nguyễn Việt Dũng trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một sự thật là hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta vẫn có một khoảng cách nhất định so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với mong muốn đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp cận được với môi trường quốc tế và là cầu nối cho các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu với các nguồn lực trên thế giới, góp phần đưa doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tới sân chơi toàn cầu. Trong khuôn khổ hợp tác giữa Ngân hàng thế giới World Bank với Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân TP.HCM, nhóm Phát triển khu vực Tư nhân của Ngân hàng thế giới do TS. Marcin Piatkowski làm trưởng nhóm đã chủ trì và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM xây dựng báo cáo “Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng trưởng cao tại Việt Nam. Kết quả chẩn đoán hệ sinh thái khởi nghiệp”, báo cáo sẽ cho chúng ta bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia quốc tế.
“Chúng tôi rất trân trọng báo cáo của Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank. Thông qua Hội thảo này, chúng tôi rất mong muốn nhận được các góp ý quý báu của đại diện các Sở, ban, ngành, các quận huyện, các chuyên gia và cộng đồng đối với dự thảo nội dung của báo cáo này trước khi nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới hoàn chỉnh báo cáo chính thức gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân TP.HCM. Qua đó, thúc đẩy số lượng và chất lượng của các công ty khởi nghiệp định hướng tăng trưởng cao, giảm thiếu hụt tài chính cho đổi mới sáng tạo và giảm bớt các rào cản hiện có đối với sự phát triển của các công ty mới. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế với Ngân hàng thế giới trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, nguồn lực chuyên gia để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
Tại Hội thảo, Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã giới thiệu Báo cáo “Thúc đẩy Kinh doanh tăng trưởng cao và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam từ kết quả đánh giá, dự đoán cho hệ sinh thái khởi nghiệp”.
TS. Marcin Piatkowski - Nhà Kinh tế trưởng và Quản lý dự án Phát triển kinh tế tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank - Trưởng nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tại Hội thảo
Theo TS. Marcin Piatkowski - Nhà Kinh tế trưởng và Quản lý dự án Phát triển kinh tế tư nhân - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và đưa ra khuyến nghị mục tiêu nhằm cải thiện điều kiện để khởi nghiệp phát triển trong nước với 3 câu hỏi nghiên cứu chính: Tại Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư có quy trình phát triển như thế nào? Đâu là nguồn cung tài chính đổi mới sáng tạo trong vòng đời khởi nghiệp? Có những chính sách, quy định, điều kiện thị trường, mạng lưới và đơn vị trung gian nào hỗ trợ hoặc hạn chế hoạt động khởi nghiệp?
“Chúng tôi có 7 khuyến nghị về chính sách gồm: Cải thiện vị thế và việc điều phối chương trình nghị sự khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Củng cố/định hướng lại cơ cấu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động khởi nghiệp theo hướng xây dựng hệ thống các doanh nghiệp khởi nghiệp có định hướng tăng trưởng và có thể nhận đầu tư; Cải thiện việc thực thi và hiệu quả chính sách thông qua xây dựng năng lực cho các đơn vị đổi mới sáng tạo và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; Tăng cường đóng góp của lĩnh vực nghiên cứu công vào hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng tăng trưởng và doanh nghiệp vừa và nhỏ; Giải quyết các rào cản quy định về việc gia nhập, thoái vốn và tăng trưởng của doanh nghiệp thông qua các cải cách nhanh được xây dựng bằng các cuộc đối thoại công tư; Định vị TP.HCM là môi trường thử nghiệm về chính sách và là trung tâm khởi nghiệp công nghệ của khu vực”, TS. Marcin Piatkowski nói.
Dưới sự chủ trì của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trên tinh thần trao đổi cởi mở, thiện chí, hợp tác Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank đã cùng đại diện của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thành phố, các trường viện, các trung tâm ươm tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia, quỹ đầu tư trên địa bàn Thành phố tham vấn cũng như chia sẻ những khó khăn, góp ý những nội dung mà báo cáo cần hoàn thiện, kiến nghị những giải pháp cụ thể tập trung vào chính sách, nguồn nhân lực và vốn…
Nhiều góp ý và đề xuất để hoàn thiện báo cáo được các chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố thẳng thắn trình bày tại Hội thảo
Được biết, trước đó vào hồi tháng 2/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Chuyên gia cấp cao của Ngân hàng thế giới World Bank nhằm tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM. Đồng thời, tìm hiểu khả năng hợp tác trong các dự án nghiên cứu và hỗ trợ đầu tư, phát triển cộng đồng khởi nghiệp. Qua đó, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM với Ngân hàng thế giới World Bank.
Đại diện Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank chụp ảnh lưu niệm với Đại diện Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng các phòng ban chuyên môn thuộc Sở và các chuyên gia cũng như cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố
Nhật Linh (CESTI)
Ngày 30/05/2023, trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, Sở Khoa học và Công nghệ - Công an TP.HCM đã phối hợp tổ chức "Lễ ký kết hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ - Công an TP.HCM" và "Sự kiện kết nối - nghiên cứu xây dựng các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ công tác quản lý nhà nước ngành Công an tại TP.HCM” nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành Công an Thành phố giai đoạn 2023 - 2023.
Tham dự Hội nghị về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có T.S Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở, TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở và đại diện các phòng ban chuyên môn cùng các trung tâm trực thuộc Sở. Về phía Công an TP.HCM có Thiếu tướng TS. Lê Hồng Nam - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Giám đốc Công an Thành phố và đại diện các phòng nghiệp vụ trực thuộc cùng gần 100 chuyên gia là đại diện của các Trường, Viện, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ, công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… có mối quan tâm đến lĩnh vực an ninh và ngành Công an tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Hội thảo đã thu hút gần 100 chuyên gia là đại diện của các Trường, Viện, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ, công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… có mối quan tâm đến lĩnh vực an ninh và ngành Công an cùng tham dự
Theo Thiếu tướng TS. Lê Hồng Nam - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Giám đốc Công an TP.HCM, để khởi động cho các hoạt động phối hợp giải quyết bài toán lớn trong quản lý nhà nước ngành Công an tại Thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ - Công an TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi làm việc và tiến đến thống nhất nội dung ký kết hợp tác với nhiều điểm trong tâm như: Xây dụng, phát triển các công cụ, giải pháp, mô hình phục vụ công tác chuyển đổi số của Công an Thành phố và công tác đảm bảo an ninh an toàn, an ninh thông tin mạng tại Sở Khoa học và Công nghệ; Đặt hang nghiên cứu phát triển, hỗ trợ triển khai, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công tác an toàn thông tin mạng, bí mật nhà nước, truy vết và thống kê tội phạm; Kết nối các chuyên gia đầu ngành trong mọi lĩnh vực nhằm hỗ trợ phòng chống tội phạm sử dụng cộng cao và thẩm định các sản phẩm công nghệ có liên quan đến an ninh thông tin, an ninh quốc gia; Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại đáp ứng công tác của 2 đơn vị, đặc biệt là công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo phục vụ các lĩnh vực công tác, trong tâm là hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin , thông tin liên lạc và trang thiết bị, phương tiện lỹ thuật; Tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP.HCM phát huy vai trò của Tiểu ban an toàn, an ninh mạng Thành phố và thực hiện có hiệu quả các mặt công tác theo chủ trương, chỉ đọa của Ban chỉ đạo an toàn, an ninh mang Quốc gia; Hỗ trợ Công an Thành phố khảo sát tiềm lực khoa học và công nghệ các Sở, ban, ngành, trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố làm cơ sở xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hợp tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào các mặt công tác Công an...
“Thông qua chương trình hợp tác sẽ thiết lập được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai cơ quan quản lý Nhà nước, hướng đến các mục tiêu: Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại TP.HCM nói chung và Công an TP.HCM nói riêng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước; Đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh mạng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, tạo diễn đàn kết nối cộng đồng khởi nghiệp, khối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm lắng nghe ý kiến, tìm giải pháp, hợp tác giải quyết các bài toán trong quản lý Nhà nước ngành Công an tại Thành phố”, Thiếu tướng TS. Lê Hồng Nam chia sẻ.
Thiếu tướng TS. Lê Hồng Nam - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Giám đốc Công an TP.HCM mong nhận được đề xuất sáng kiến, giải pháp, quy trình, công nghệ hoặc ý kiến đóng góp của các Trường, Viện, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ, công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... để góp phần giải bài toán lớn trong ngành Công an tại TP.HCM
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, sự hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ và Công an TP.HCM sẽ góp phần nâng cao nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, gắn kết cơ quan quản lý và cộng đồng khởi nghiệp, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực công cho ngành Công an Thành phố.
“Với nền công nghệ phát triển như ngày hôm nay, ngành Công an nói chung để đảm bảo an ninh trật tự của xã hội thì chúng ta phải áp dụng công nghệ vì nó giúp cho mình rất nhiều trong nghiệp vụ và nâng cao hiệu quả công tác. Năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ký ban hành một kế hoạch về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công với mục tiêu chính là Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố sẽ phải giúp cho các Sở, ngành, quận huyện xây dựng những bài toán ứng dụng công nghệ, các mô hình mới dựa trên các công nghệ tiên tiến để làm sao nâng cao được nghiệp vụ, chất lượng của công tác quản lý nhà nước của từng ngành. Chính vì vậy trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động bàn bạc và đã ký kết hợp tác với Sở Y tế, Sở Xây dựng, mới nhất là với Sở Giáo dục và Đào tạo và hôm nay là Công an TP.HCM. Chúng tôi hình dung chương trình hợp tác này, sẽ không dừng lại ở 2025 mà nó sẽ kéo dài nhiều năm sau nữa, các con số chỉ là cột mốc để cùng nhìn nhận và rút kinh nghiệm… mong muốn lớn nhất của chúng tôi là thông qua chương trình hợp tác này, ngành Khoa học và Công nghệ có thể giúp được cho ngành Công an hình thành được một hệ sinh thái gồm các Trường Viện, các doanh nghiệp có công nghệ, các chuyên gia sẽ cùng gia nhập vào với sự chủ động của Công an Thành phố để sáng tạo dựa trên công nghệ và qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an ninh chính trị của Thành phố ngày càng tốt hơn. Tiền đề là hệ sinh thái này, chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp thảo luận sâu hơn cho từng bài toán một, để xây dựng một cái khung chương trình triển khai các nghiệp vụ khoa học công nghệ có tính hệ thống và bài bản hơn, mang hàm lượng khoa học công nghệ đạt chất lượng cao hơn”, TS. Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, tại Hội nghị Công an TP.HCM sẽ trình bày các bài toán lớn cụ thể liên quan đến giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước cho ngành Công an
Cũng tại Hội nghị, là sự kiện Kết nối với mong muốn tìm kiếm các giải pháp sáng tạo đến từ các Trường, Viện, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ, công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà khoa học... để giúp cho công tác cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời; thu thập cơ sở dữ liệu; giúp nâng cao năng lực chữa cháy, cứu hộ và phòng chống tội phạm trên không gian mạng…
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng Công an TP.HCM ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giai đoạn 2023-2025
Được biết, sự kiện này là 1 trong 9 chủ đề của Chương trình Inno-Coffee do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì nhằm tìm kiếm giải pháp, công nghệ, quy trình, sáng kiến giải quyết những khó khăn thách thức trong lĩnh vực công của Thành phố. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, startup, nhà nghiên cứu, trường viện... thương mại hóa sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu cũng như tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ để hoàn thiện, nâng cấp, cải tiến công nghệ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đơn vị đặt hàng.
Nhật Linh (CESTI)
TP.HCM được xem là cái nôi về đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của cả nước. Nhiều năm gần đây, trung bình mỗi năm TP có hàng trăm sự kiện sôi động về KNĐMST diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên, nằm trong tình hình chung của cả nước và thế giới, hoạt động này đang có dấu hiệu chững lại, cùng với vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại TP năm qua có phần sụt giảm.
Trao đổi trực tiếp cùng Tạp chí Khoa học phổ thông, TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP nhận định, đây chỉ là sự chững lại tạm thời, chủ yếu là do những yếu tố khách quan.
TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu trong một sự kiện về ĐMST và chuyển đổi số.
Chính sách kịp thời giúp hệ sinh thái KNĐMST TP phát triển vượt bậc
- Được biết, hệ sinh thái KNĐMST của TP đã hình thành rõ nét từ năm 2016. Đến nay, hoạt động này được đánh giá là phát triển năng động dẫn đầu cả nước. Vậy theo ông, đâu những nổi bật trong xuyên suốt các hoạt động KNSTĐM tại TP đã đạt được đáng để ghi nhận?
TS Nguyễn Việt Dũng: Nói đến hoạt động KNĐMST là nói đến các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), đó là một thế hệ doanh nghiệp mới, dựa trên những tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), những mô hình mới mang tính đột phá, bứt phá và có khả năng phát triển rất là nhanh. Đó là điều đặc biệt mà các startup rất khác so với các doanh nghiệp bình thường.
Ở TP.HCM, các hoạt động KNĐMST thực tế đã có từ lâu, là một trong những hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và thị trường. Năm 2015, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có hỗ trợ cho TP.HCM, cụ thể là Sở Khoa học Công nghệ để thuê chuyên gia nước ngoài khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hệ sinh thái ĐMST tại TP.HCM lúc đó. Báo cáo đã nhận định là thời điểm ấy chúng ta đã có hệ sinh thái này nhưng ở mức sơ khai, với số lượng các cơ quan ươm tạo, tổ chức hỗ trợ còn ít và manh mún. Rồi các hoạt động, các cuộc thi, các quỹ đầu tư… cũng không nhiều.
Từ năm 2016, thông qua nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, TP đã chính thức đưa chương trình ĐMST đi vào cuộc sống. Trong đó, Sở KHCN có tham mưu về chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp ĐMST, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Rất nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước được ra đời để thúc đẩy cho các hoạt động KNĐMST tại TP phát triển mạnh lên.
Như vậy, lúc ấy thông điệp của chính quyền TP rất rõ ràng, đó là câu chuyện mong muốn khuyến khích thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn, không chỉ là thông điệp chính trị mà bằng cụ thể các chính sách, điển hình như Chương trình nâng cao năng lực các thành phần của hệ sinh thái KNĐMST, Chương trình hỗ trợ dự án KNĐMST (Speedup). Rồi các chính sách để thúc đẩy truyền thông nhằm xây dựng văn hóa ĐMST cho cả cộng đồng, làm sao nhận thức cộng đồng ngày càng hiểu rõ hơn về ĐMST. Nghĩa là lan tỏa tinh thần luôn luôn phải sáng tạo, nghĩ ra những cái mới, điều mới, tạo ra các giá trị mới và dám đương đầu dám chịu những rủi ro, thách thức... Thành ra, chính sách truyền thông thời điểm đó bắt đầu đẩy rất mạnh.
Qua nhiều chính sách như thế tiến hành từ năm 2016, cho đến năm vừa rồi, TP được Tạp chí StartupLink, là tổ chức chuyên nghiên cứu về hệ sinh thái ĐMST xếp TP.HCM hạng 111/1.000 TP toàn cầu có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mạnh. Đây là một sự tăng trưởng vượt bậc với chỉ trong vòng 5, 6 năm TP đã có trên bản đồ ĐMST của thế giới.
Hiện nay, nếu như cả nước có khoảng 4.000 startup thì TP.HCM là luôn chiếm khoảng trên 50% với trên 2.000 startup. Hằng năm các doanh nghiệp khởi nghiệp của TP thu hút khoảng 60 % lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam.
Lý do tiếp theo, hệ sinh thái KNĐMST TP được xem là phát triển mạnh là vì có trên 40 vườn ươm và các tổ chức ươm tạo, chưa kể là hàng loạt các tổ chức trung gian để hỗ trợ cho hoạt động tác nghiệp. Hầu như là các trường đại học đều có hoạt động KNĐMST. Khoảng 100 trường hiện nay đã rất quan tâm thông qua những chính sách hỗ trợ TP và cũng tự làm, rồi cộng đồng tham gia… cho nên hệ sinh thái này rất là mạnh.
Mạng lưới các nhà cố vấn cho hệ sinh thái KNĐMST cũng phát triển dồi dào với hơn khoảng 200 chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ cho hoạt động này. Rồi hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đều có mặt tại TP.HCM… Ngoài, ra, hàng trăm sự kiện liên quan đến KNĐMST diễn ra mỗi năm như: sự kiện đào tạo, tập huấn kết nối, rồi các cuộc thi, triển lãm... Như thế, các hoạt động ĐMST quả thực rất là sôi động, hình thành nên nét văn hóa của cộng đồng này.
TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trao giải thưởng I-star về ĐMST và khởi nghiệp năm 2022 cho các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Xu hướng tất yếu và gia tăng các công cụ mạnh mẽ thúc đẩy KNĐMST
- Trong những năm công tác trong ngành thì ông đánh giá thế nào về tình hình và xu hướng phát triển của lĩnh vực KNĐMST trên thế giới và ở Việt Nam?
TS Nguyễn Việt Dũng: Thuật ngữ ĐMST hiện nay đã là xu thế không cưỡng lại được. Mặc dù là vừa qua khủng hoảng suy thoái kinh tế do đại dịch, có chững lại ở vốn đầu tư mạo hiểm. Trong năm vừa qua, vốn đầu tư mạo hiểm giảm gần một nửa so với trước đó.
Tuy nhiên là việc đó không có nghĩa là sẽ chững lại. Bởi vì xu hướng hiện nay, hoạt động KNĐMST là một xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và trong bối cảnh chuyển đổi số. Toàn cầu người ta đều đi theo xu hướng thế đó, cho nên là hoạt động ĐMST nói chung và KNĐMST nói riêng là xu thế tất yếu và tiếp tục phát triển.
Bằng chứng hiện nay là các trường đại học vẫn dạy về câu chuyện này và vẫn thúc đẩy tinh thần KNĐMST, đưa vào trong nội dung đào tạo và sinh viên bây giờ đều nắm bắt được xu thế đó và thúc đẩy các em dấn thân vào hoạt động này. Cho nên tôi nghĩ là hoạt động KNĐMST vẫn tiếp tục sẽ phát triển mạnh trong những năm tới tại Việt Nam và trên thế giới.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp đoàn công tác Ban Đông Nam Á và Châu Đại dương - Bộ Công thương Singapore (MTI) ngày 27/4/2023.
- Từ những nhận định như vậy, ông có thể cho biết những hoạt động tập trung sắp tới của Sở Khoa học và Công nghệ về lĩnh vực này? Để thúc đẩy hoạt động KNĐMST, TP có rất nhiều tổ chức nhà nước và tư nhân tham gia cộng đồng này. Trong sự phát triển năng động của TP, vai trò kiến tạo, dẫn dắt của Sở Khoa học và Công nghệ thì như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Việt Dũng: Thứ nhất là Sở Khoa học và Công nghệ được đã tham mưu cho TP ban hành Đề án 672 nhằm hỗ trợ để phát triển hệ sinh thái KNĐMST tại TP giai đoạn 2021 - 2025, tiếp nối với đề án năm 2016 trước đó.
Trong đó, có 8 nhóm nhiệm vụ nhằm thúc đẩy tiếp tục phát triển của hệ sinh thái ĐMST của TP, với nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hoạt động của cộng đồng KNĐMST về huấn luyện nâng cao năng lực cho người muốn khởi nghiệp, hỗ trợ một phần kinh phí để các nơi, đơn vị tổ chức các sự kiện, hỗ trợ cho các cuộc thi để tìm kiếm các ý tưởng mới và ươm tạo. Rồi cũng có những chính sách để hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, tiếp cận với Speedup, tiếp cận các quỹ đầu tư, v.v…
Bên cạnh đó, TP cũng đang xúc tiến để hình thành Viện Công nghệ tiên tiến ĐMST của TP.HCM. Đây là nơi để mà hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng trong câu chuyện chuyển giao công nghệ tiên tiến, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ ứng dụng sản phẩm mới. TP cũng đang chuẩn bị hình thành Trung tâm KNĐMST. Dự án này đã triển khai xây dựng cách đây 2 năm. Theo báo cáo của đơn vị chủ đầu tư trong năm nay sẽ hoàn công và Sở đang tham mưu cho TP về đề án về mô hình hoạt động của trung tâm. Đấy là những đầu tư có trọng tâm cho KHCN, ĐMST của TP về cơ sở vật chất và không gian để hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp trong thời gian tới.
Hiện Sở cũng tham mưu TP về Nghị quyết 54 sửa đổi trình Quốc hội, đề xuất kiến tạo một số chính sách về miễn, giảm thuế, hỗ trợ đầu tư, thu hút chuyên gia... Tất nhiên cần phải tiếp tục xây dựng chương trình hành động, những chính sách cụ thể, nhưng mà nói chung là cố gắng kiến tạo chính sách trong khả năng của của TP, còn đúng là cộng đồng KNĐMST họ cần nhiều lắm, Nhà nước cũng không thể lo hết được.
Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên đẩy mạnh hợp tác với lại các nước thời gian qua như: Úc, Phần Lan, Israel, News Zealand, Singapore…, nhằm trao đổi kinh nghiệm triển khai, thu hút nguồn lực hỗ trợ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong kết nối với hệ sinh thái KNĐMST của TP và mở ra cơ hội để startup Việt có thể tiếp cận với thị trường nước ngoài.
- Cảm ơn ông.
Hồng Ân (thực hiện)
Sáng 11-5, TP.HCM lần đầu tiên công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương - DDCI 2022.
Những kết quả bất ngờ từ DDCI TP.HCM
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương - DDCI là một chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương.
Bộ chỉ số DDCI được xây dựng dựa trên cơ sở bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiện đã có nhiều tỉnh khảo sát.
Kết quả khảo sát lần đầu tiên được thực hiện tại TP.HCM đã cho ra kết quả bất ngờ khi nhiều sở, ngành, địa phương bị đánh giá thấp trên nhiều chỉ số thành phần.
Cụ thể kết quả DDCI như sau:
TP.HCM sẽ cải thiện PCI
Tại lễ công bố, TP cũng đã triển khai các giải pháp để cải thiện, nâng cao các chỉ số Par Index, PAPI và PCI.
Ông Huỳnh Thanh Nhân - giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết để cải thiện chỉ số PAPI, TP sẽ triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân...
Trong khi đó, ông Đào Minh Chánh - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho biết TP sẽ cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Trong đó, TP sẽ chấn chỉnh những tồn tại, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng thực hiện dịch vụ công trực tuyến...
Theo Báo Tuổi trẻ
Với độ chính xác ở mức cao nhờ ứng dụng các mô hình phân tích trí tuệ nhân tạo, bộ công cụ chẩn đoán viêm ruột thừa giúp các cơ sở y tế thuận tiện hơn trong công tác thăm khám, đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp.
Chiều ngày 11/04/2023 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng bằng kỹ thuật máy học”. Đây là nhiệm vụ do Bệnh viện Nhân dân Gia Định làm cơ quan chủ trì triển khai; TS.BS Mai Phan Tường Anh và PGS.TS Thái Thanh Trúc là đồng chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ.
Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết, viêm ruột thừa là bệnh nguy hiểm, khó phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Viêm ruột thừa có biến chứng là kết quả của ruột thừa bị vỡ dẫn đến áp-xe hay hoại tử, viêm tấy quanh ruột thừa, gây nên nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe bệnh nhân.
"Dù việc phẫu thuật cắt ruột thừa vẫn là phương pháp điều trị được lựa chọn phổ biến, song nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng vai trò của việc điều trị bảo tồn không phẫu thuật trên một số cơ địa đặc biệt. Do đó, việc cân nhắc chẩn đoán với điều trị phù hợp trong viêm ruột thừa có biến chứng và viêm ruột thừa không biến chứng mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh", TS.BS Mai Phan Tường Anh thông tin.
Trên tinh thần đó, nhóm các nhà khoa học đang công tác tại Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã phối hợp nghiên cứu hồi cứu trên những bệnh nhân đã phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong 5 năm (2016-2020), kết hợp đánh giá kiểm thử trong dữ liệu thực tế bổ sung thêm. Từ đó, xây dựng mô hình chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng bằng các phương pháp thường dùng cho kỹ thuật máy học là Support Vector Machine - SVM; Decision Tree - DT; Random Forest - RF; Artificial Neural Network - ANN; k-Nearest neighbors - KNN, Logistic Regression - LR/hồi quy logistic và Gradient Boosting - GB; cũng như xác định giá trị của các mô hình kỹ thuật máy học trong chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng. Đồng thời, nhóm các khoa học TP.HCM cũng đã hoàn thiện, xây dựng quy trình và các công cụ hỗ trợ sử dụng kỹ thuật máy học hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng.
Từ các mô hình máy học chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng gồm SVM, DT, RF, LR, KNN, ANN và GB với các tham số tương ứng với từng mô hình được hoàn thiện, nhóm triển khai nhiệm vụ đã xây dựng mô hình máy học có giá trị trong chẩn đoán viêm ruột thừa biến chứng với độ chính xác trên nền tảng mô hình GB vốn được xác định là có giá trị dự báo tối ưu nhất.
Được biết, để tạo dữ liệu huấn luyện cho các mô hình máy học, nhóm triển khai nhiệm vụ đã thống kê hơn 4.000 hồ sơ bệnh án thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, trong đó thu thập các biến (giá trị) gồm Giới tính; Tuổi; Sinh hóa máu; Số lượng bạch cầu (WBC); Số lượng neutrophil (NEU); Số lượng lymphocyte (LYM); CRP; Đường kính ruột thừa qua siêu âm; Vị trí ruột thừa; Hình ảnh thâm nhiễm; và cuối cùng là biến phụ thuộc Viêm ruột thừa biến chứng.
Sơ đồ tiến trình xử lý số liệu
Có thể khẳng định rằng, đây là một trong những nghiên cứu đánh giá giá trị trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng tại TP.HCM trong vòng 5 năm. Từ đó cung cấp một bức tranh toàn diện về tình hình viêm ruột thừa nói chung và mảng ứng dụng trí thông minh nhân tạo hỗ trợ bác sĩ dự đoán khả năng có biến chứng.
PGS. TS Thái Thanh Trúc cho biết, tính ứng dụng của nhiệm vụ chính là đã phác thảo tình hình chung của bệnh viêm ruột thừa biến chứng tại TP.HCM, đồng thời xây dựng mô hình máy học chẩn đoán viêm ruột thừa biến chứng. Qua đó, hệ thống thang đo dự đoán cho chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng cho cộng đồng người dân TP.HCM nói chung và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định nói riêng được xây dựng hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cũng đã hoàn thiện trang điện tử trực tuyến www.viemruotthua.com để người dùng là người dùng (bác sĩ) có thể thao tác và nhập các chỉ số để đưa ra tiên đoán về tình trạng viêm ruột thừa biến chứng trên bệnh nhân. Giải pháp này về cơ bản cũng có thể được tích hợp vào hệ thống dữ liệu bệnh viện và đề xuất khả năng viêm ruột thừa biến chứng để hỗ trợ việc chẩn đoán trên bệnh nhân viêm ruột thừa cấp. Chưa dừng lại ở đó, dữ liệu từ người dùng (bệnh nhân) có thể được thu thập nhằm cung cấp trở lại cho mô hình học máy, nâng cấp và tăng khả năng chẩn đoán trong tương lai.
Giao diện công cụ chẩn đoán viêm ruột thừa có sử dụng nền tảng trí tuệ nhân học được cung cấp tại địa chỉ viemruotthua.com
Giao diện của bộ công cụ cho phép bác sỹ và kỹ thuật viên y tế chủ động nhập vào 10 chỉ số chẩn đoán gồm giới, tuổi, hình ảnh siêu âm ổ bụng (đường kính ruột thừa - mm, vị trí ruột thừa, dịch ổ bụng và tình trạng thâm nhiễm xung quanh ruột thừa) và các xét nghiệm sinh hóa máu (tổng số lượng bạch cầu hạt, số lượng bạch cầu trung tính, số lượng bạch cầu lympho và CRP). Ở trung tâm bên dưới hình ảnh của ứng dụng là tóm tắt thông tin của bệnh nhân (bao gồm các chỉ số chẩn đoán mà bác sĩ nhập ở bên cột trái). Ở dưới cùng là kết luận có viêm ruột thừa biến chứng hay không, và xác suất xảy ra (%) nếu có.
Chia sẻ thêm về nghiên cứu, PGS.TS Thái Thanh Trúc cho rằng, quá trình thu thập dữ liệu, xây dựng và hoàn thiện đề tài đã có sự kết hợp giữa chuyên môn ngoại khoa tiêu hóa, thống kê và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên nền tảng ngôn ngữ Python nhằm cho ra một mô hình chẩn đoán tối ưu nhất. Nghiên cứu xử lý dữ liệu theo nhiều tình huống khác nhau (chuẩn hóa và không chuẩn hóa cũng như bổ sung dữ liệu theo nhiều cách tiếp cận so với khi không bổ sung dữ liệu) để đảm bảo đánh giá đúng và đủ giá trị của mô hình chẩn đoán. Ngoài ra, các mô hình được xây dựng với nhiều tùy chọn tham số phổ biến nhằm đánh giá toàn diện và đa dạng các mô hình. Việc này nhằm đảm bảo không bỏ sót các tình huống và các tham số tiềm năng của từng mô hình.
Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu mang nhiều ý nghĩ thực tế. Ngoài tỷ lệ viêm ruột thừa có biến chứng phát hiện được để từ đó gợi ý về xác suất tiền định viêm ruột thừa có biến chứng của các trường hợp nhập viện có liên quan đến viêm ruột thừa, thì các yếu tố liên quan phát hiện được cũng có nhiều lợi ích.
Kết quả dự báo khả năng viêm ruột thừa được công cụ cung cấp
Theo lời PGS.TS Thái Thanh Trúc, tất cả yếu tố này là các chỉ số lâm sàng, cận lâm sàng thường quy và dễ dàng có thể có được, kể cả tại các cơ sở y tế có nguồn lực hạn chế. Vì thế, điều này có nghĩa là, hầu hết cơ sở y tế có thể sử dụng các yếu tố này để biết được bệnh nhân có nhiều nguy cơ viêm ruột thừa có biến chứng hay không.
"Trong trường hợp khả năng viêm ruột thừa có biến chứng là rất thấp thì có thể chọn các phương pháp phù hợp hơn cho bệnh nhân. Ngược lại, trong các trường hợp mà căn cứ vào các yếu tố liên quan xác định được bệnh nhân nhiều nguy cơ viêm ruột thừa có biến chứng thì sẽ có thể xử lý sớm một cách phù hợp hoặc chuyển tuyến bệnh viện khi cần thiết", PGS. TS Thái Thanh Trúc nhấn mạnh.
Tựu trung, việc xây dựng mô hình chẩn đoán dựa trên các tiêu chí trong thang đo có sẵn và qua siêu âm sẽ có nhiều thuận lợi, giúp xác định nguy cơ viêm ruột thừa có biến chứng mà không cần kiến thức chuyên sâu hoặc trang thiết bị phức tạp. Ngoài ra, việc hoàn thành nghiên cứu này mang ý nghĩa lớn về tính khả thi trong triển khai các nghiên cứu tương tự và là cơ sở ban đầu để tiến hành mở rộng các nghiên cứu tương tự trong lĩnh vực y học.
Thông tin liên hệ: Địa chỉ: 01 Nơ Trang Long, P.7, Q. Bình Thạnh, TP.HCM Điện thoại: 0908381266 - 0918343165 Email: ThaiThanhTruc@ump.edu.vn - mptuonganh@gmail.com Website: www.bvndgiadinh.org.vn |
Quy trình công nghệ do nhóm nhà khoa học TP.HCM hoàn thiện tạo ra cơ hội "tận dụng" nguồn nước thải từ nhà máy sản xuất phân bón để tiếp tục tạo ra các sản phẩm hữu ích, giúp giảm thiểu lượng chất thải nguy hại ra môi trường.
Thực tế cho thấy, nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 150/QĐ-TTg, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm.
Đặc biệt, Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống” văn minh, xanh, đẹp…
Nhu cầu cấp bách
Có thể khẳng định rằng, phân bón là nguyên liệu đầu vào cực kỳ quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, và nhu cầu phân bón ngày càng tăng, từ đó sản xuất phân bón càng được đẩy mạnh, đặc biệt là ngành sản xuất phân bón hóa học. Bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu phát triển của nông nghiệp, thì việc xử lý các nguồn chất thải, đặc biệt là khí thải, nước thải trong quá trình sản xuất phân bón luôn được chú trọng.
Khí thải sau khi ra khỏi hệ thống tách bụi đi qua hệ thống rửa khí và hấp phụ trước khi khí thải ra môi trường bên ngoài. Nếu dung dịch này được hồi lưu để tiếp tục sử dụng thì hàm lượng các chất di dưỡng bị hấp phụ trong dung dịch chứa hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng Nitơ (N) và Phốtpho (P) vốn rất cần thiết cho cây trồng.
Trong khi đó, để xử lý nguồn nước này đạt tiêu chuẩn môi trường,hầu hết nhà máy đang áp dụng công nghệ hóa lý để xử lý lượng nước thải nói trên, đặc biệt là nguồn nước thải chứa nhiều dinh dưỡng chính như N và P. Theo đó, dung dịch NaOH được cho vào bể phản ứng với hàm lượng lớn để "đuổi" N (ở dạng khí NH3) ra khỏi dung dịch. Như vậy, có thể thấy chất ô nhiễm (hợp chất của N) ở dạng lỏng được chuyển sang chất ô nhiễm dạng khí và phát tán ra không khí, tổng lượng N phát tán ra môi trường được xem là không đổi. Ngoài ra, nguồn nước thải sau khi đuổi N có pH cao, nên phải sử dụng lớn HCl để trung hòa, chuyển pH nước thải về trung tính để thực hiện các công đoạn tiếp theo trước khi thải ra môi trường. Như vậy, doanh nghiệp phải tiêu tốn một lượng lớn hóa chất NaOH và HCl mà vẫn không thể thể giảm lượng NH3 phát ra môi trường.
"Do đó, việc giảm thiểu hóa chất để xử lý nước thải và thu hồi các chất dinh dưỡng N và P từ nước thải luôn là công nghệ mà các nhà môi trường và doanh nghiệp hướng đến, và các công nghệ này được xem là thân thiện với môi trường, rất có ý nghĩa về mặt kinh tế", PGS.TS Lê Minh Viễn nhận định, "Hơn nữa, theo thống kê, thì các trữ lượng P trong các mỏ để sản xuất phân lân cũng đang ngày càng giảm sút. Do đó, việc thu hồi các nguyên tố dinh dưỡng như N và P ngày càng cấp bách hơn".
Tuy nhiên, trước thực tế trong nước hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về công nghệ thu hồi N và P từ các nhà máy sản xuất phân bón, cũng như nghiên cứu sử dụng các sản phẩm sau thu hồi để sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp", PGS.TS Lê Minh Viễn và nhóm cộng sự tại Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu công nghệ thu hồi nitơ, phốtpho trực tiếp từ nước thải nhà máy phân bón và định hướng sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón".
PGS.TS Lê Minh Viễn trình bày kết quả triển khai nhiệm vụ "Nghiên cứu công nghệ thu hồi nitơ, phốtpho trực tiếp từ nước thải nhà máy phân bón và định hướng sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón"
Hướng tiếp cận mới
Theo đó, là kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu, PGS.TS Lê Minh Viễn và các cộng sự đã nghiên cứu xây dựng mô hình hệ thống thử nghiệm thu hồi N và P từ nước thải nhà máy phân bón công suất xử lý 1 m3/ngày và sản xuất 50 kg struvite theo quy trình công nghệ gián đoạn; đồng thời nghiên cứu sản xuất phân bón NPK sử dụng nguồn struvite sản xuất từ nước thải nhà máy phân bón.
Cụ thể, PGS.TS Lê Minh Viễn và các cộng sự đã xác định các thành phần chính của nguồn nước để đề xuất phạm vi của các thông số công nghệ và các phương pháp điều chế, đánh giá các tính chất của sản phẩm. Kết quả nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm cho thấy các thông số công nghệ như pH, tỷ lệ mol Mg/P, tỷ lệ mol N/P, thời gian phản ứng ảnh hưởng đến hiệu suất kết tủa struvite. Trong đó, thông số ảnh hưởng mạnh nhất là pH, tỷ lệ mol Mg/P, tỷ lệ mol N/P.
Quy trình thu hồi struvite
"Struvite dễ dàng kết tủa trong khoảng pH từ 7-9,5, thậm chí ở thời gian phản ứng là 30 phút. Đặc biệt, nghiên cứu này đã xây dựng được sự tương quan của các thông số công nghệ đến hiệu suất thu hồi N", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ thông tin.
Từ kết quả tối ưu hóa, các thông số công nghệ được lựa chọn để tiến hành kiểm tra, thử nghiệm với quy mô pilot với công suất 1 m3/ ngày. Quá trình kết tủa struvite được thiết kế và vận hành thực tế trên thiết bị có tổng thể tích là 1.000 lít. Với thông số công nghệ đã tối ưu (với hàm mục tiêu là hiệu suất 80%), tỷ lệ mol Mg/P=1,0 và N/P= 1,2; pH=8,3, thời gian là 60 phút ở nhiệt độ môi trường, sản phẩm thu được là struvite có độ đơn pha cao (kiểm chứng bằng phương pháp XRD), dạng bột có kích thước hạt từ 13-22 micro mét (kiểm chứng bằng phương pháp SEM và phần mềm Image J). Tỷ trọng riêng từ 1.573 - 1.598 kg/m3, khối lượng riêng đổ đống là từ 497-580 kg/m3. Hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với struvite thương mại.
Mô hình hệ thống
Đối chiếu với tiêu chuẩn về độ tan theo ISO 18644:2016, sản phẩm struvite thu được là loại phân bón chậm tan. Struvite có hàm lượng dinh dưỡng (Mg, N và P) cao cùng với tính chất tan chậm, struvite phù hợp để làm phân bón tan chậm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, sự tương thích của struvite với các nguyên liệu truyền thống cũng được kiểm tra nhằm sử dụng nguyên liệu này để sản xuất các sản phẩm phân bón NPK. Kết quả thử nghiệm với các sản phẩm phân bón một hạt NPK 10-10-5 (10% khối lượng struvite, 20% khối lượng struvite, 30% khối lượng struvite), NPK 17-3-5 (10% khối lượng struvite), NPK 16-20-0 (10% khối lượng struvite) và phân bón 3 màu NPK 20-15-5.
Kết quả cho thấy struvite dễ dàng sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón như các nguyên liệu truyền thống khác. Khi sử dụng struvite càng nhiều, độ tan của sản phẩm NPK càng giảm. Độ tan giảm của sản phẩm là lợi thế cho việc tiết kiệm và sử dụng phân bón hiệu quả do hạn chế sự rửa trôi và thất thoát do phân bón tan quá nhanh.
Struvite hay MAP (magie amoni Photphat) là một tinh thể thường gặp trong tự nhiên với hằng số KS = 12,6-13,26 ở dạng không tan (rất ít tan). Struvite tan ít trong nước và dung dịch nên sự giải phóng chậm struvite đã tạo ta nguồn N, P và Mg hiệu quả cho cây trồng bón qua lá hay đất. Sử dụng phân bón MAP có thể giảm từ 20-30%, thậm chí nhiều hơn, nếu xét trên khối lượng (sử dụng) so với phân bón thông thường mà vẫn có năng suất tương đương.
Là hợp phần quan trọng của nhiệm vụ, nhóm chuyên gia tại Đại học Bách Khoa đã sản xuất thử nghiệm thành công 50kg sản phẩm struvite thu hồi từ nước thải (của nhà máy sản xuất phân bón); hoàn thiện quy trình công nghệ thu hồi struvite từ nước thải nhà máy phân bón; cũng như quy trình công nghệ sản xuất phân NPK sử dụng sản phẩm struvite tạo ra trong quá trình thu hồi N, P từ nước thải nhà máy phân bón. Bên cạnh đó, nhóm triển khai nhiệm vụ cũng xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm struvite và 3 loại phân NPK sản xuất từ nguồn struvite tổng hợp được.
Phân bón NPK từ struvite
Tóm lại, nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng hóa chất để kết tủa các nguyên liệu phân bón bị hòa tan vào trong dung dịch nước để quay trở lại quá trình sản xuất phân bón dễ thực hiện. Trong khi phương pháp hóa lý, việc sử dụng dung dịch NaOH để xử lý NH3 trong dung dịch và sử dụng dung dịch HCl để chuyển pH nước thải về trung tính đã làm tiêu hao một lượng hóa chất đáng kể mà không thu được sản phẩm phụ nào. Ngoài ra, phương pháp kết tủa struvite sử dụng công nghệ và thiết bị đơn giản, dễ vận hành cho thấy việc kết tủa struvite từ nước thải ngành công nghiệp sản xuất phân bón không những có ý nghĩa khoa học, mà còn có ý nghĩa về kinh tế so với phương pháp truyền thống.
Nhận xét về hiệu quả khoa học - công nghệ, PGS.TS Lê Minh Viễn khẳng định: kết quả của nhiệm vụ đã góp phần cung cấp các dữ liệu nghiên cứu thực nghiệm, cung cấp công nghệ xử lý nước thải, và công nghệ này được xem là công nghệ đơn giản, hiệu quả, sạch - xanh để xử lý nước thải chứa nhiều N và P, hạn chế sử dụng hóa chất để xử lý nước thải mà không thể thu hồi được.
Về hiệu quả kinh tế xã hội, có thể thấy rằng, công nghệ xử lý nước thải thân thiện với môi trường không những giảm thiểu tiêu tốn hóa chất mà còn thu hồi được các chất dinh dưỡng từ nước thải, làm giảm thất thoát nguyên liệu trong quá trình sản xuất, và đặc biệt hơn hết là giảm chi phí xử lý so với công nghệ truyền thống.
"Do đó, nhiệm vụ đã tiếp cận một cách có hệ thống và mang tính thực tiễn cao để xử lý nước thải với công nghệ xử lý thân thiện môi trường, giảm chi phí hóa chất, góp phần làm giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Từ đó gián tiếp góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn", PGS.TS Lê Minh Viễn nhấn mạnh.
Thông tin liên hệ: |
Quy trình sản xuất vật liệu kháng khuẩn dạng màng ứng dụng chế tạo băng gạc ở quy mô pilot do PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp và nhóm cộng sự tại Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) hoàn thiện, đã sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu sản xuất băng gạc y tế với khả năng kháng khuẩn, hỗ trợ lành nhanh vết thương.
Da là cơ quan có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tác động, sự ảnh hưởng không có lợi từ môi trường bên ngoài. Thông thường, khi da bị thương, vết thương sẽ tự lành theo cơ chế tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, vùng da bị thương tổn dù nhẹ nhưng vẫn có nguy cơ lâu hồi phục, hoặc nhiễm trùng nếu vết thương không được điều trị và bảo vệ đúng cách. Quá trình lành thương da là một quá trình động và vô cùng phức tạp, đòi hỏi một môi trường thích hợp để đẩy nhanh tiến trình lành thương. Ngày nay, với sự phát triển khoa học - công nghệ, đã có hơn 3.000 sản phẩm đã được phát triển để điều trị các vết thương da khác nhau dựa trên loại tổn thương khác nhau và phụ thuộc giai đoạn lành thương khác nhau.
Tùy vào tình trang tổn thương da, người dùng (bác sĩ chỉ định hay bệnh nhân) sẽ chọn ra loại băng gạc phù hợp. Băng gạc thường được chế tạo từ nhiều vật liệu tự nhiên hoặc tổng hợp và có tính phân hủy sinh học hoặc không. Liên kết giữa các sợi trong băng gạc này có thể được dệt hoặc không dệt dưới dạng miếng dán, bọt xốp hoặc keo nước có sức bền cấu trúc tốt để giữ hình thái vật lý.
Nhiều băng gạc có cấu tạo đa lớp, mỗi lớp có tính chất khác nhau, ví dụ như một băng gạc bốn lớp gồm lớp dệt, lớp bọt xốp, lớp tạo nước và lớp dính hỗ trợ. Loại vật liệu dùng làm băng gạc rất đa dạng bao gồm polyester, poly(vinyl alcohol), alginate, collagen, poly(ethylene glycol) và poly(lactic-coglycolic acid). Thông thường những băng gạc này có chứa chất hỗ trợ kháng vi sinh vật như Ag, bitmut, chlorhexidine, polyhexamethylene biguanide...
Việc chọn lựa băng gạc thường được các cơ sở y tế cũng như đội ngũ y bác sỹ chú trọng theo các tiêu chí như: (1) cung cấp môi trường ẩm, (2) làm tăng quá trình hình thành lớp thượng bì, (3) giúp tăng sinh mạch máu và mô liên kết, (4) thoáng khí, (5) ổn định nhiệt, (6) chống khuẩn, (7) dễ tháo gỡ và (8) không độc hại.
Hiện nay, băng gạc được phân thành 5 loại chính: (1) dạng màng bán thấm, (2) dạng bọt bán thấm, (3) dạng hydrogel, (4) dạng hydrocolloid và (5) dạng alginate, các dạng này có tải Ag hay không tải Ag. Trong đó băng gạc chứa "Ag kháng khuẩn" là sản phẩm được quan tâm trên thị trường Việt Nam lẫn thế giới.
Tuy nhiên, các loại băng gạc hỗ trợ tích cực quá trình lành thương và kháng vi sinh vật vẫn chưa được phổ biến trong sản xuất công nghiệp ở Việt Nam và hầu hết được nhập khẩu. Hiện tại, các loại băng gạc sản xuất trong nước chủ yếu vẫn sử dụng kỹ thuật sợi không dệt và hạn chế trong việc kết hợp với các hoạt chất.
"Bởi vì không có các hoạt chất kháng khuẩn và các thành phần giúp hỗ trợ lành thương, nên các loại băng gạc thông thường chỉ được sử dụng với mục đích chính là cách ly vật lý vết thương và môi trường bên ngoài. Những sản phẩm này kém hiệu quả trong việc phòng chống với các tác nhân gây bệnh bên ngoài như vi khuẩn hoặc nấm", PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp cho biết, "Tuy nhiên, bằng cách sử dụng phương pháp tạo sợi nano từ kỹ thuật electrospinning, sản phẩm băng gạc có thể được kết hợp với nhiều hoạt chất khác để tăng khả năng sinh học hỗ trợ lành thương".
Sẵn sàng triển khai ở quy mô công nghiệp
PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ " Nghiên cứu quy trình sản xuất vật liệu kháng khuẩn dạng màng ứng dụng chế tạo băng gạc ở quy mô pilot " cho biết, nhóm các nhà khoa học tại Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) đã tiến hành khảo sát quy trình sản xuất băng gạc kháng khuẩn từ polycaprolactone (PCL), nano bạc (Ag) kết hợp oligomer chitosan (Cs).
Thành phẩm băng gạc kháng chuẩn được sản xuất thử nghiệm theo quy trình do nhóm các nhà khoa học tại Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) đề xuất
Cụ thể, nhóm triển khai nhiệm vụ đã chế tạo dung dịch PCL chứa nano Ag để tạo màng PCL tải nano Ag, chế tạo màng phun Oligomer Chitosan. Từ những nguồn nguyên liệu này, nhóm chế tạo sản phẩm băng gạc từ màng PCL-Ag-Cs, gồm 2 lớp: màng PCL chứa các hạt nano Ag (được tổng hợp bằng phương pháp electrospinning), lớp phủ hỗn hợp gồm oligomer chitosan (Cs) và polyvinylpyrrolidone (PVP).
"Kết quả khảo sát các tính chất màng PCL-Ag-Cs chế tạo quy mô pilot cho kết quả tương đồng với các màng chế tạo ở quy mô phòng thí nghiệm", PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp khẳng định.
Sơ đồ khối quy trình tạo màng PCL-Ag-Cs quy mô pilot
Trong các loại vật liệu đã được sử dụng chế tạo màng thì PCL được chú trọng nhờ vào tính chất cơ lý tốt, tính tương hợp sinh học cao và màng PCL làm từ phương pháp electrospinning rất khó biến dạng trong điều kiện nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ phòng. Công nghệ màng electrospinning là công nghệ đơn giản nhưng có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao vì khả năng tạo màng mỏng dẫn đến tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, công nghệ này đang dần được ưa chuộng trong ngành y học do tính đa năng (có khả năng ứng dụng cho mọi loại vật liệu). Ngoài việc có khả năng tạo ra màng có tính chất giống băng gạc truyền thống, băng gạc làm từ phương pháp electrospinning còn có nhiều ưu điểm, như thoáng khí, dễ tổng hợp và đặc biệt hơn là rất dễ thêm các chất khác nhằm tăng kháng khuẩn như Ag, gentamicin, hay hỗ trợ lành thương như protein, các hoạt chất tăng sinh tế bào.
Công nghệ electrospinning là công nghệ sử dụng máy electrospinner, trong đó cấu tạo máy bao gồm: bộ nguồn cao áp một chiều; hệ thống khối thu sợi; và hệ thống bơm tiêm điện chứa polymer. Electrospinning có thể tạo ra các sợi nano nhờ việc ứng dụng tính chất của điện trường cao. Khi một điện áp đủ cao được đặt vào một giọt chất lỏng, thì phần chất lỏng sẽ tích điện, và lực đẩy tĩnh điện chống lại sức căng bề mặt, từ đó giọt chất lỏng bị kéo căng tạo thành tia phun đến khối thu màng (collector). Điểm phun này được gọi là hình nón Taylor (Taylor cone). Nhìn chung, electrospinning là một bộ điện trường điều khiển các tia phun polymer đến khối thu màng tạo thành sản phẩm định dạng thành màng không dệt. Các sản phẩm electrospinning thu được có cấu trúc vi mô là vô số các sợi polymer đan xen, những sợi này có đường kính từ vài trăm nano đến vài micro mét.
Mô hình mô tả thiết bị electrospiner công nghiệp
Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp electrospinning cũng đã có những đóng góp to lớn cho hướng nghiên cứu y sinh trong việc chế tạo các thiết bị y tế, y sinh và chăm sóc sức khỏe. Rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã và đang vận dụng phương pháp này trong các nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp mới cho điều trị trong y học.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, nhờ được bổ sung lớp phủ oligomer chitosan nên sản phẩm băng gạc từ màng PCL-Ag-Cs không chỉ có công dụng kháng khuẩn, mà còn có tác dụng giữ vết thương thông thoáng và hút dịch dư của vết thương, giúp quá trình làm lành vết thương đạt hiệu quả tốt hơn.
Thử nghiệm trên thỏ, sau 30 ngày, vết thương đắp băng gạc PCL-Ag-Cs cho kết quả lành thương tốt hơn đắp gạc cotton. Ngoài ra, sản phẩm cũng có thể dùng cho vết thương bỏng.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp cũng thông tin thêm rằng, băng gạc 2 lớp được sản xuất ở quy mô công nghiệp bao gồm: (1) màng polycaprolactone (PCL) chứa các hạt nano bạc được tổng hợp bằng phương pháp chiếu xạ gamma được tạo thành bằng phương pháp electrospinnning và (2) lớp phủ hỗn hợp oligomer chitosan (Cs) và polyvinylpyrrolidone (PVP).
Thành phần kháng khuẩn của băng gạc là nano bạc và Cs. Lớp phủ có tác dụng giữ vết thương thông thoáng và hút dịch dư của vết thương giúp cho quá trình lành thương đạt hiệu quả hơn.
"Sau khi hoàn thiện quy trình tạo màng kháng khuẩn trên quy mô công nghiệp, nhóm đã tiến hành sản xuất thử nghiệm băng gạc kháng khuẩn nhằm đảm bảo chất lượng, số lượng và ghi nhận ở mức cơ bản các chi phí cần thiết để sản xuất", PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp cho biết, "Hơn thế nữa, thành công của nhiệm vụ tạo ra quy mô pilot, để từ đó có thể dùng chế tạo nhiều loại băng gạc khác nhau".
Được biết, các lô (sản phẩm) băng gạc được sản xuất thử nghiệm từ quy trình nói trên cũng đã được các cơ quan chức năng, cơ quan hữu quan ngành y đánh giá, xác nhận là đạt các tiêu chuẩn về khả năng kháng khuẩn theo quy định trong nước và quốc tế.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức đã có buổi tham quan, trực tiếp ghi nhận quy trình và máy móc sản xuất thử nghiệm sản phẩm băng gạc kháng khuẩn
Nhận định về tiềm năng cho quy trình sản xuất băng gạc kháng khuẩn ở quy mô pilot vừa hoàn thiện, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp cho biết, băng gạc kháng chuẩn được sản xuất trong nước trước tiên mang đến cơ hội sử dụng các sản phẩm y tế chất lượng cao ở mức giá thành hợp lý cho mọi người dân, và sau nữa tạo cơ hội để các nhà sản xuất, các đơn vị chế tạo cùng cộng tác, cùng tham gia vào việc sản xuất ra các thiết bị của quy trình sản xuất loại băng gạc này, chẳng hạn như thiết bị cho công đoạn phủ và công đoạn sấy.
Hay nói cách khác, cũng theo lời PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, thành công của nhiệm vụ khoa học - công nghệ mà nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) đã hoàn thành một lần nữa khẳng định trình độ, năng lực của ngành y sinh Việt Nam trong công tác nghiên cứu, phát triển các giải pháp, sản phẩm y tế đạt tiêu chuẩn, phục vụ tối đa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Thông tin liên hệ: Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) Địa chỉ:Khu phố 6, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP.HCM Email: nthiep@hcmiu.edu.vn Điện thoại: 0983888700 |
Vật liệu bê tông hàm lượng tro bay cao do Phân viện Vật liệu Xây dựng miền Nam chế tạo, có thể sử dụng cho kết cấu trong công trình xây dựng, nhằm giảm lượng sản xuất xi măng gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng được nguồn tro - xỉ từ các nhà máy nhiệt điện.
Bê tông là một trong những vật liệu xây dựng bền vững nhất về mặt sản xuất và bảo trì so với các vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, thành phần chính trong bê tông là xi măng (chiếm 5-20% khối lượng bê tông), lại chiếm hơn 74-81% lượng phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GHG). Vì thế, để giảm mức tiêu thụ xi măng, có thể thay bằng tro bay trong việc sản xuất bê tông.
Bê tông hàm lượng tro bay cao được sản xuất thử nghiệm
Tro bay thường được đề xuất thay thế xi măng đến 35% tổng khối lượng xi măng Portland theo ACI 211, ACI 232. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể ở thời gian dài, các nhà nghiên cứu cho rằng việc thay thế xi măng bằng tro bay có thể lên đến 50% hoặc lớn hơn, bê tông thậm chí còn có một số tính chất vượt trội và gọi bê tông chứa hơn 50% hàm lượng tro bay theo khối lượng thay thế xi măng Portland được coi là bê tông hàm lượng tro bay (High Volume Fly Ash Concrete - HVFC).
Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay hơn 25 triệu tấn tro, xỉ được thải ra mỗi năm chủ yếu từ các nhà máy điện trên cả nước. Dự báo nếu lượng tro xỉ không được tái chế sử dụng, đến năm 2030 ước tính tồn trữ lên đến 422 triệu tấn. Hầu hết lượng tro, xỉ này được vận chuyển ra ngoài bãi thải, nếu không được sử dụng về lâu dài sẽ tác động xấu đến môi trường, chiếm diện tích đất để tồn chứa ngày càng lớn, đồng thời lãng phí nguồn tài nguyên.
Chính vì vậy nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu chế tạo bê tông hàm lượng tro bay cao dùng cho các kết cấu công trình xây dựng" đã được nhóm tác giả Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam (Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng) thực hiện, nhằm giảm phát thải GHG của xi măng và giảm ô nhiễm do để bay tro lưu trữ trong đất và nước.
Ngoài ra, nhiệm vụ cũng hướng đến mục tiêu sử dụng hàm lượng tro bay thay thế đến 80 % xi măng Portland để chế tạo bê tông sử dụng cho mục đích kết cấu trong công trình xây dựng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và hạn chế ô nhiễm môi trường; và quan trọng hơn hết là làm chủ công nghệ chế tạo bê tông hàm lượng tro bay cao sử dụng cho kết cấu trong công trình xây dựng.
Lê Văn Quang, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, HVFC khác hoàn toàn với bê tông hệ geopolymer, có thể thay thế tro bay 100%.HVFC không yêu cầu bảo dưỡng nhiệt, không đòi hỏi sử dụng kiềm cao, đó là một ưu điểm so với bê tông geopolymer trong ngành xây dựng. Tuy nhiên HVFC có nhược điểm lớn đó là phát triển cường độ chậm, đặc biệt ở tuổi sớm, làm hạn chế tính ứng dụng của loại bê tông này. Điều này khiến HVFC làm giảm tiến độ thi công, khai thác công trình, khó sử dụng trong thời tiết lạnh,....
Cũng theo lời TS. Lê Văn Quang, nếu sử dụng bê tông HVFC cho mục đích kết cấu buộc phải cải thiện cường độ tuổi sớm. Một số các phương pháp được cho là có hiệu quả cao như sử dụng tỷ lệ nước/chất kết dính thấp, bổ sung thêm vôi Ca(OH)2, bổ sung silica fume, sử dụng hóa chất tăng tốc, hay kích hoạt tro bay trước khi nhào trộn bê tông.
“Vì vậy, ngoài mục đích sử dụng hàm lượng tro bay cao thay thế xi măng Portland đến 80% để chế tạo bê tông cho mục đích kết cấu, chúng tôi còn nghiên cứu để thúc đẩy sự phát triển cường độ sớm cho loại bê tông này, ngoài những biện pháp truyền thống sử dụng xi măng OPC có hàm lượng C3A cao, hạ thấp tỷ lệ nước/bột”, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ nhấn mạnh.
Mẫu bê tông cốt thép (sử dụng vật liệu HVFC)
Theo đó, để chế tạo bê tông HVFC, TS. Lê Văn Quang và các cộng sự sử dụng nguyên vật liệu là xi măng OPC40 Nghi Sơn, tro bay của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, cốt liệu nhỏ (cát sông, cát nghiền), cốt liệu lớn (đá dăm), nước, vôi bột hydrat Ca(OH)2. Ngoài ra, nhóm còn sử dụng các phụ gia siêu dẻo, Silica fume và hỗn hợp hóa chất tăng tốc, đông kết sớm và tăng cường độ sớm cho bê tông HVFC là sodium thiocyanate (NaSCN), diethanolamine (DEA) and glycerol (Gly).
Lê Văn Quang, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết thêm rằng, vì hàm lượng xi măng Portland sử dụng trong bê tông HVFC rất ít, nên sẽ thiếu lượng vôi Ca(OH)2 (sản phẩm thủy hóa của xi măng) để tham gia vào phản ứng puzolanic với tro bay cũng như đảm bảo tính kiềm để bảo vệ cốt thép. Vì vậy, để chế tạo bê tông HVFC đáp ứng các mục tiêu đã đề ra, nhóm đã nghiên cứu bổ sung lượng vôi Ca(OH)2 hợp lý vào trong bê tông . Đồng thời, sử dụng phụ gia tăng tốc đóng rắn nhanh silica fume, phụ gia tăng tốc 3 thành phần.
Quy trình sản xuất bê tông hàm lượng tro bay
Kết quả, nhóm các nhà khoa học tại Phân viện vật liệu xây dựng miền Nam đã nghiên cứu chế tạo được bê tông HVFC, với tỷ lệ thay thế xi măng lên tới 80% tro bay, đáp ứng được các tính chất cơ học như cường độ nén, uốn, nén chẻ, mô-đun đàn hồi và độ co ngót khô.
Trong đó, cường độ nén của bê tông HVFC có xu hướng tăng dần theo thời gian, ở 28 ngày đạt giá trị 59,47-70,13 MPa; ở tuổi 180 ngày đạt 73,51-80,12 MPa.
Kết quả cho thấy bê tông HVFC hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế nhờ vào việc đã cải thiện được cường độ ở tuổi sớm và vẫn tiếp tục phát triển cường độ mạnh mẽ ở những tuổi muộn, vượt rất nhiều so với yêu cầu mục tiêu 40 MPa đề ra ở 28 ngày.
Bê tông sử dụng tro bay thay thế xi măng trong sản xuất có các ưu điểm như: Các cấp phối tối ưu đã được lựa chọn phù hợp với yêu cầu cường độ nén ≥ 40 MPa, độ bền cao, các tính chất khác đều vượt trội hơn so với bê tông đối chứng, đặc biệt về các tính chất độ bền lâu. |
Thí nghiệm xác định thời gian đông kết của hỗn hợp bê tông
Thử nghiệm khả năng bảo vệ ăn mòn cốt thép của bê tông HVFC cho kết quả vượt trội hơn với bê tông thường, khi độ pH đạt khoảng 11,61 đến 11,82 cao, hơn mẫu đối chứng (pH 10,66) ở tuổi 180 ngày. Hàm lượng ion hòa tan trong axít của bê tông HVFC đều có giá trị thấp khoảng từ 0,020-0,025 % và nằm trong giới hạn cho phép về ngưỡng ăn mòn theo các tiêu chuẩn thế giới hiện hành.
Kết quả về điện thế ăn mòn đo được theo phương pháp gia tốc chu kỳ khô + nhiệt - ẩm đều cho giá trị thấp < -350 mV, nằm dưới ngưỡng xác suất 90% cốt thép có thể bị ăn mòn.
Mẫu bê tông hàm lượng tro bay cao và thiết bị thí nghiệm khả năng Carbonat hóa (hai hình hàng trên); Các mẫu thí nghiệm quá trình Carbonat hóa (ba hình hàng dưới)
Thí nghiệm xác định mô-đun đàn hồi của bê tông HVFC
Nhóm nghiên cứu cũng đã ứng dụng bê tông HVFC tỷ lệ 80% tro bay thay thế xi măng vào sản xuất cọc vuông bê tông cốt thép. Quy trình sản xuất cọc vuông bê tông đúc sẵn được thực hiện qua 5 bước bao gồm: Chuẩn bị vật liệu - Thi công cốt thép - Thi công ván khuôn - Thi công bê tông - Bảo dưỡng. Cọc 350x350 mm, dài 10m, có thép chủ gồm 4 cáp tao sợi loại 7 tao, đường kính 12,7mm; thép đai đường kính 6mm. Cường độ chịu tải theo thiết kế đạt Pmax= 200T; lớp bê tông bảo vệ dày ít nhất 35mm.
Chế tạo bê tông cốt thép HVFC dạng cọc/trụ vuông
Kết quả thử nghiệm cho thấy, cọc bê tông HVFC và cọc bê tông mẫu đối chứng đều có chất lượng tốt, được thể hiện qua giá trị mô men uốn nứt và mô men uốn gãy vượt qua yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn MS 1314.
Cụ thể ở mô men uốn nứt 35 kN.m, cả hai loại cọc bê tông thử nghiệm không xuất hiện vết nứt nào (trong khi yêu cầu của tiêu chuẩn cho phép vết nứt có độ rộng lớn nhất ≤ 0,2 mm và không quy định về số lượng vết nứt). Mô men uốn gãy của cọc tại (70 kN.m) cả hai loại cọc đều không bị phá hủy, không bị gãy cọc.
Hình ảnh thí nghiệm uốn gãy và uốn nứt cọc
Phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật, nhóm chuyên gia Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam khẳng định, bê tông HVFC có giá thành tương đương với bê tông thương phẩm thông thường nên về cơ bản có thể có tính khả thi cao.
Hơn nữa việc sử dụng lên đến 80% tro bay thay thế xi măng có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường đối với chất thải tro xỉ nhiệt điện, tiết kiệm tài nguyên, cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Không những thế, hoàn toàn có thể sử dụng các dây chuyền, thiết bị sản xuất bê tông chất lượng cao để sản xuất bê tông HVFC, do công nghệ trộn hỗn hợp bê tông hoàn toàn tương tự.
Thông tin liên hệ: Điện thoại: 028.37305015 Website: svibm.vibm.vn |