SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận một số nội dung về cơ chế triển khai thực hiện chương trình, dự án khoa học và công nghệ; cơ chế sử dụng phương pháp xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ thuộc chương trình, dự án khoa học và công nghệ làm cơ sở giao quyền…

Ngày 13/3/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức buổi phổ biến Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 11 tháng 11 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

phobiennghiquyet19.jpg

Nghị quyết số 19 đặt mục tiêu hỗ trợ một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập có tiềm lực trên địa bàn Thành phố phát triển trở thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đồng thời thu hút, giữ chân các chuyên gia, nhà khoa học, người tài đến làm việc tại các tổ chức khoa học và công nghệ công lập để khơi thông mọi nguồn lực sẵn có của Thành phố.

Theo đó, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu (trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế) cần thỏa 2 điều kiện: (1) Có trình độ Tiến sĩ trở lên và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm; (2) Chủ trì ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu từ mức đạt trở lên hoặc là tác giả chính của các công bố trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) hoặc có các kết quả nghiên cứu được cấp văn bằng bảo hộ về sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn) hoặc có kinh nghiệm trong triển khai nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.

Trong khi đó, trưởng - phó các phòng, ban (thuộc trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế) cũng cần 2 điều kiện: (1) Có trình độ Đại học trở lên và có ít nhất 3 ba năm kinh nghiệm trở lên phù hợp. Chủ trì ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu từ mức đạt trở lên hoặc là tác giả chính của các công bố trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS hoặc có các kết quả nghiên cứu được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn) hoặc có kinh nghiệm trong triển khai nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.

Trong khuôn khổ buổi phổ biến, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, thảo luận một số nội dung về cơ chế triển khai thực hiện chương trình, dự án khoa học và công nghệ; cơ chế sử dụng phương pháp xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ thuộc chương trình, dự án khoa học và công nghệ làm cơ sở giao quyền; kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được giao cho tổ chức chủ trì chương trình, dự án khoa học và công nghệ một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

TP.HCM đang phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 02 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế; đến năm 2030 có ít nhất 05 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế; đến 2045 có ít nhất 05 đơn vị đạt chuẩn quốc tế theo Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”.  Để được tham gia Đề án, tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần chuẩn bị hồ sơ năng lực giới thiệu các nội dung gồm: Chương trình, dự án khoa học và công nghệ trong giai đoạn từ 3-5 năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng định hướng phát triển của Thành phố; Kế hoạch hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; Hồ sơ minh chứng năng lực, nguồn lực để đảm bảo tổ chức thực hiện chương trình, dự án khoa học và công nghệ.

Hoàng Kim (CESTI)

Chiều 06/3/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc và thống nhất ký kết triển khai thực hiện Chương trình hợp tác trên lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2024 - 2025.

Theo đó, giai đoạn 2024 - 2025, hai bên sẽ phối hợp thực hiện các nội dung như chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của TP.HCM với tỉnh Cà Mau, tập trung các lĩnh vực môi trường, năng lượng xanh, chuyển đổi số và nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, triển khai các hoạt động kết nối, huấn luyện cho cộng đồng KNĐMST tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách và quản lý Nhà nước của TP.HCM trong các hoạt động: quản lý công nghệ, doanh nghiệp KH&CN, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phân tích và kiểm nghiệm, thu hút vốn đầu tư cho phát triển tiềm lực, mô hình KH&CN, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời phối hợp triển khai xây dựng Sàn giao dịch công nghệ, liên kết dữ liệu của Sàn giao dịch công nghệ giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Cà Mau; hỗ trợ huấn luyện vận hành Sàn giao dịch công nghệ; phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến chuyển giao công nghệ với hình thức trực tiếp, trực tuyến; phối hợp tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ góp phần phát triển thị trường KH&CN của 2 địa phương.

Ngoài ra, hợp tác, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Phối hợp lựa chọn những kết quả nghiên cứu khoa học của mỗi địa phương phù hợp với điều kiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cà Mau để chuyển giao, áp dụng vào mỗi địa phương. Phối hợp trong cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến nền tảng kết nối trực tuyến giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau. Thực hiện chuyển giao các sản phẩm ứng dụng công nghệ GIS phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp (nuôi trồng thủy hải sản, thú y, rừng, lâm sản, rau màu), y tế (bệnh truyền nhiễm, giám sát chất lượng nước), du lịch, công thương, khu công nghiệp,…

03HDKHLVkykethoptacSoKHCNCaMauh2.jpg

Buổi làm việc và ký kết hợp tác diễn ra tại Sở KH&CN TP.HCM 

Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc và ký kết hợp tác, ông Phan Tấn Thanh (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau) cho biết, các nội dung hợp tác được đề xuất dựa trên tiềm năng thế mạnh của TP.HCM và nhu cầu thực tế của Cà Mau, nhằm hỗ trợ cùng phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, phát huy lợi thế của mỗi địa phương, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập. Chương trình hợp tác được hai bên thống nhất ký kết dựa trên căn cứ bản Thỏa thuận ngày 11 tháng 3 năm 2023 giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2025; căn cứ Chương trình số 235/KH-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2025.

Theo ông Thanh, hiện nay việc triển khai các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Sở KH&CN Cà Mau chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp (thế mạnh của địa phương là ngư, nông, lâm nghiệp), tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn chế nên quy mô đề tài không lớn, các đề tài dự án cấp tỉnh hàng năm không nhiều, chưa giải quyết triệt để được những khó khăn trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Do đó, Cà Mau mong muốn TP.HCM hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với Cà Mau, xây dựng các cơ chế chính sách và quản lý trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, đổi mới công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh Cà Mau,… Bên cạnh đó, Cà Mau cũng rất quan tâm các công nghệ chế biến sản phẩm từ cây dừa nước, cây chuối,… để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

03HDKHLVkykethoptacSoKHCNCaMauh3ok.jpg

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau Phan Tấn Thanh và Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng ký kết thực hiện Chương trình hợp tác trên lĩnh vực KH&CN giai đoạn 2024 - 2025 

Trao đổi với phía Cà Mau, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, trên cơ sở các chương trình hợp tác được ký kết với các tỉnh, thành trong thời gian gần đây, TP.HCM mong muốn chia sẻ, hỗ trợ các địa phương giải quyết những vấn đề hết sức cụ thể, thiết thực. Đối với Cà Mau, Sở KH&CN TP.HCM sẵn sàng hợp tác trong vấn đề chia sẻ, kết nối các nguồn lực KH&CN của TP.HCM như mạng lưới các tổ chức KH&CN, đội ngũ chuyên gia, các trường đại học lớn; hợp tác chuyển giao tri thức, chuyển giao các kết quả nghiên cứu, triển khai dự án ứng dụng công nghệ, dự án khởi nghiệp ĐMST,… Những công nghệ mà Cà Mau đang quan tâm, Sở KH&CN TP.HCM sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối với các nhóm nghiên cứu, nhà cung ứng phù hợp theo từng nhu cầu ứng dụng cụ thể của phía Cà Mau. Hiện tại, Sở KH&CN TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển Sàn giao dịch công nghệ và triển khai các hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu của Sàn với các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Sàn giao dịch công nghệ do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN quản lý, vận hành với nhiều hoạt động nhằm kết nối cung cầu công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển thị trường KH&CN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Lam Vân (CESTI)

Mục tiêu cụ thể đến năm 2028, TP.HCM sẽ hỗ trợ hơn 1.000 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; hơn 700 dự án ở giai đoạn ươm tạo và hơn 200 dự án ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận với các nhà đầu tư mạo hiểm.

Sáng ngày 01/3/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Triển khai các chính sách hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM”. Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 433/KH-UBND ngày 24/01/2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM năm 2024. Đồng thời, thúc đẩy việc phát triển bền vững và mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP.HCM trên cơ sở hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

1320242.jpg

Hội nghị tập huấn đã thu hút được gần 150 đại biểu là đại diện tới từ các Sở ngành, quận huyện, các trung tâm nghiên cứu, vườn ươm, các trường đại học và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cùng tham dự

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, năm 2015, TP.HCM có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã nghiên cứu, đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố… tóm lại thời điểm đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM đang ở mức độ sơ khai. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” gọi tắt là 844 cùng với hàng loạt các chương trình, chính sách của TP.HCM ở thời điểm đó thì đến nay TP.HCM đã có tên trên bản đồ thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, trong 2 năm 2022, 2023 vừa qua TP.HCM được xếp thứ hạng 111, 113 trên 1.000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.

“Đây là một trong những tín hiệu mà chúng ta có thể hy vọng rằng, với sự tham gia của chính quyền để thúc đẩy và cùng một số chính sách mang tính kích cầu cũng như các hoạt động truyền thông để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, sự hỗ trợ và tham gia mạnh mẽ của các trường viện, vườn ươm, doanh nghiệp… thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 98, chúng ta sẽ cố gắng vượt từ khoảng 10 đến 20% các chỉ tiêu đã đề ra”, TS. Nguyễn Việt Dũng nói.

1320241.jpg

TS. Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại Hội nghị tập huấn

Trình bày báo cáo về “Chương trình hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM”, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ.

“Mục tiêu cụ thể đến năm 2028, TP.HCM sẽ hỗ trợ hơn 1.000 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; hơn 700 dự án ở giai đoạn ươm tạo và hơn 200 dự án ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận với các nhà đầu tư mạo hiểm”, bà Phan Thị Quý Trúc nói.

Cụ thể, trong Điều 8: Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được Quốc Hội thông qua ngày 24/6/2023, có nêu:

Đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố gồm: Chính sách miễn thuế (03 nhóm); Thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; Hỗ trợ không hoàn lại chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo… hay đối với việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học bao gồm: Tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…

Để có thể triển khai được các nhóm chính sách này, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các Nghị quyết sau: (1) Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; (2) Quy định các lĩnh vực ưu tiên, đối tượng, điều kiện và quy trình thực hiện nhóm chính sách về miễn thuế trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (sau khi có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ); (3) Quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; (4) Quy định việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM.

1320243.jpg

Bà Phan Thị Quý Trúc thông tin về các nhóm chính sách hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, khung nhiệm vụ chung khi triển khai cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo/chương trình ươm tạo cũng như cách thức đăng ký thực hiện và hình thức triển khai

Cũng theo bà Phan Thị Quý Trúc, ngày 11/11/2023, trong kỳ họp thứ mười hai, Khóa X, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết nghị thông qua Nghị quyết số 20/NQ/HDND về Quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM.

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết này bao gồm: Cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan… Với các lĩnh vực ưu tiên như: Thương mại điện tử; Công nghệ tài chính; Logistic; Công nghệ giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khỏe; Nông nghiệp công nghệ cao; Phát triển bền vững; Chuyển đổi số; An ninh mạng.

Về tiêu chí tuyển chọn dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, gồm: Tính sáng tạo; Năng lực tổ chức thực hiện; Hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội; Thị trường tiềm năng; Ứng dụng công nghệ; Mô hình kinh doanh… Các tiêu chí này sẽ được xem xét áp dụng phù hợp trong từng giai đoạn của dự án.

Về mức kinh phí hỗ trợ tương ứng với các giai đoạn của dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo gồm 3 giai đoạn: Tiền ươm tạo 40 triệu đồng/dự án không quá 6 tháng, trong đó: Tiền công lao động: 10 triệu đồng và chi phí khác: 30 triệu đồng/dự án; Ươm tạo 80 triệu đồng/dự án không quá 12 tháng, trong đó: Tiền công lao động: 30 triệu đồng và chi phí khác: 50 triệu đồng/dự án; Tăng tốc 400 triệu đồng/dự án không quá 12 tháng, trong đó: Tiền công lao động: 150 triệu đồng và chi phí khác: 250 triệu đồng/dự án.

Về kế hoạch triển khai: Tổ chức các khóa tập huấn cho các đơn vị có liên quan về chính sách, phương thức đăng ký tham gia; Tổ chức triển khai hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo hàng năm; Tổ chức hỗ trợ ứng dụng và thử nghiệm các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; Truyền thông về các hoạt động triển khai chính sách hỗ trợ; Kết nối cho các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, tổ chức sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm và cả giai đoạn.

1320244.jpg

Khung nhiệm vụ chung khi triển khai cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo/chương trình ươm tạo

“Tất cả các hoạt động đăng ký, hỗ trợ các dự án tiền ươm tạo, ươm tạo tăng tốc đều phải được cập nhật thông tin và kết quả trên nền tảng trực tuyến thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại TP.HCM - Ho Chi Minh city Open innovation (H.OIP)”, bà Phan Thị Quý Trúc chia sẻ thêm.

1320245.jpg

Tại Hội nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, trường viện, vườn ươm, đại diện các địa phương cũng đã nêu lên nhiều ý kiến, đặt câu hỏi để có thể triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại đơn vị của mình

Việc đăng ký tham gia dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM có thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 29/02- 15/4/2024.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM số 244 đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM.

Website: www.dost.hochiminhcity.gov.vn.

Điện thoại: 028.3932.0121 (Phòng Quản lý Công nghệ và thị trường công nghệ).

Nhật Linh (CESTI)

Nền tảng H.OIP phù hợp cho mọi đối tượng thuộc hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thao tác thuận tiện và dễ dàng sử dụng.

Ngày 23/2/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo Victory (VIC) tổ chức các buổi tập huấn “Huấn luyện nhân sự vận hành về cách thức vận hành và quản trị nền tảng, quản trị hệ thống dữ liệu Nền tảng H.OIP” và “Hướng dẫn các thành phần trong hệ sinh thái về các chức năng, tra cứu, khai thác, cập nhật thông tin dữ liệu cho Nền tảng trực tuyến thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh – H.OIP”. Các nội dung tập huấn hướng đến hỗ trợ triển khai cách thức ứng dụng H.OIP cho đổi mới sáng tạo ở Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng các đơn vị có liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố.

HOIP1.jpg

H.OIP là công cụ trung gian để liên kết các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, là nơi tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức để chia sẻ kiến thức và giải quyết vấn đề. H.OIP được thiết kế theo cấu trúc mô-đun bao gồm các thành phần hữu hình và vô hình, tạo điều kiện cho sự tương tác của các thành phần và nguồn lực, từ đó thúc đẩy việc phát triển bền vững và mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố trên cơ sở hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Trong khuôn khổ các buổi tập huấn về H.OIP, người dùng được hướng dẫn chi tiết cách đăng nhập và kích hoạt tài khoản, duyệt và xem các tin tức hệ sinh thái, về nền tảng, các chương trình hợp tác của platform, các chương trình nổi bật cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư, cho vườn ươm, cho chính quyền, cho các thành tố khác, báo cáo, liên hệ. Đồng thời, được hướng dẫn cách tìm kiếm thông tin và truy cập Bản đồ đổi mới sáng tạo, Các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, Xếp hạng (Ranking đại chúng), Hệ sinh thái các đối tác của H.OIP, Truy cập nhanh thư viện điện tử (Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đầu tư cho đổi mới sáng tạo). H.OIP còn hỗ trợ người dùng kết nối nhanh đến tư vấn chuyển giao công nghệ và đặt lịch hẹn với đối tượng mong muốn.

HOIP2.jpg

Do hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được cấu thành bởi rất nhiều cấu phần xung quanh hạt nhân là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nên H.OIP được xây dựng dựa trên các cấu phần chính (bao gồm nhưng không giới hạn): Nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Nhà đầu tư (quỹ đầu tư, tổ chức tài chính); Nhà ươm tạo (các cơ sở ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo); Nhà nước; Khu vực khoa học, nghiên cứu và phát triển (Trường, Viện, Phòng nghiên cứu thử nghiệm); Nhà thương mại và doanh nghiệp lớn, hiệp hội doanh nghiệp; Các đơn vị cung cấp tiện ích hỗ trợ vận hành (kế toán, tài chính, pháp lý, nghiên cứu phát triển thị trường); Nhà tư vấn/cố vấn khởi nghiệp độc lập, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp; Các tổ chức phát triển phi chính phủ khác. H.OIP cũng hỗ trợ thay đổi vai trò của người dùng trong hệ sinh thái, cung cấp các báo cáo/dữ liệu hệ sinh thái, báo cáo theo tiêu chí đánh giá hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từng giai đoạn theo yêu cầu của người dùng.

Hoàng Kim (CESTI)

Các bên tiếp tục phối hợp nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ ở doanh nghiệp cơ khí – điện nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp này, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố.

Ngày 20/2/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có buổi làm việc với Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE).

Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã giới thiệu các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và công nghệ mới. Điển hình là Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho phép TP.HCM được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm đổi mới sáng tạo, có hiệu lực từ 1/8/2023.

Theo đề xuất hồi tháng 8/2023 của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách. Công nghệ được thử nghiệm phải được thiết kế, xây dựng khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực cho xã hội. Doanh nghiệp phải xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Công nghệ phải được cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP.HCM. Một số công nghệ được đề xuất thử nghiệm gồm xe điện không người lái, drone, công nghệ Lora, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT, thực tế ảo, robot tự hành, vi mạch, in 3D, công nghệ sinh học (trừ sản phẩm thử nghiệm trên người).

IMG1106.jpg

Chia sẻ về định hướng phát triển của HAMEE, ông Đỗ Phước Tống (Chủ tịch HAMEE) cho biết 300 thành viên HAMEE mong muốn tạo ra giá trị, sản phẩm thông qua chương trình “made by VN”. Đây là chương trình cổ xúy cho doanh nghiệp Việt làm sản phẩm Việt một cách mạnh mẽ, thể hiện được sức mạnh cơ khí Việt. Hiện nay, HAMEE đang phối hợp cùng một số đơn vị để hình thành các tiêu chí về uy tín, chất lượng, chính sách hậu mãi theo chuẩn quốc tế để phát triển thương hiệu cơ khí – điện Việt cho chương trình “made by VN”. Ông Đỗ Phước Tống cũng kỳ vọng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ hỗ trợ HAMEE xây dựng và triển khai dự án – giải pháp chung về tối ưu chi phí và quy trình sản xuất cho các doanh nghiệp cơ khí – điện ở TP.HCM.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, các thành viên HAMEE cũng đã trao đổi và tìm hiểu thêm thông tin, danh mục hỗ trợ nghiên cứu khoa học để phục vụ hoạt động R&D ở doanh nghiệp. Đồng thời, phía các doanh nghiệp cũng chia sẻ về những thách thức, khó khăn trong mua sắm thiết bị, nguyên vật liệu... phục vụ nghiên cứu và sản xuất, phối hợp với Viện – trường tham gia vào các chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của TP.HCM, tìm giải pháp kết nối với nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí – điện.

Hoàng Kim (CESTI)

Đoàn công chức, viên chức Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chiều 06/02/2024, đoàn công chức, viên chức thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Đoàn Sở Khoa học và Công nghệ) do bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chánh Văn phòng Sở, làm trưởng đoàn đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ Tịch Tôn Đức Thắng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đoàn Sở Khoa học và Công nghệ thành kính dâng hoa, dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

62202411.jpg

Đoàn đại biểu Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là tài sản vô cùng quý báu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam.

Đồng thời, đoàn cũng thực hiện dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

6220243.jpg

Đoàn đại biểu Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Tiếp đó, Đoàn Sở Khoa học và Công nghệ đã đến dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, đoàn công chức, viên chức thuộc Sở thành kính dâng hoa, dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

6220242.jpg

6220244.jpg

Đoàn đại biểu Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 được nghỉ 7 ngày liên tục, thời gian nghỉ bắt đầu từ ngày 8/2 đến hết 14/2/2024 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Tại TP.HCM, có nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để phục vụ người dân như: Triển lãm “Mừng xuân Giáp Thìn - Mừng Đảng quang vinh”; Hội hoa Xuân và Chợ hoa Tết; Chợ hoa Tết mang đậm dấu ấn đặc trưng “Trên bến, dưới thuyền”; Ngày hội Bánh Tét, Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; Đường hoa Nguyễn Huệ; Chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật;… tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện như: Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè,…

Bên cạnh đó, còn có các suất diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Trung tâm Văn hóa Thành phố, Nhà Văn hóa Thanh Niên, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, ký túc xá, khu công nghiệp và khu chế xuất…

TP.HCM cũng bắn pháo hoa ở 9 điểm bắn tầm thấp và 2 điểm bắn tầm cao. Trong đó, các trận địa pháo hoa tầm cao được bố trí tại đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và Đền tưởng niệm Bến Dược (huyện Củ Chi). Ngoài ra, 9 điểm bắn pháo hoa tầm thấp được đặt tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11), Khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (huyện Bình Chánh), Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Quảng trường Trung tâm hành chính Quận 7, Khu dân cư Bình trị đông (quận Bình Tân), Khu vực Nhà văn hóa huyện Củ Chi, Đền Bến Nọc (TP. Thủ Đức), Công viên Văn hóa quận Gò Vấp. Thời gian bắn pháo hoa từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 10/02.

Song song với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, người dân và du khách còn có thể đến tham quan, vui chơi tại 3 đường sách tại Thành phố như: Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn tại đường Lê Lợi (đường sách này chỉ tổ chức vào dịp Tết hàng năm); Đường sách TP Thủ Đức (đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú); Đường sách Nguyễn Văn Bình (đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, Quận 1).

Nhật Linh - Chí Thân (CESTI)

Chiều 02/2/2024, Công đoàn Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức trao quà hỗ trợ tết nguyên đán Giáp Thìn cho các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, đang công tác tại Sở.

Tại buổi lễ, 9 trường hợp bệnh hiểm nghèo và 34 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được trao quà hỗ trợ với tổng số tiền gần 60 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Công đoàn Viên chức Thành phố (CĐVCTP) và Công đoàn Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Trong đó, CĐVCTP hỗ trợ 4 trường hợp bị bệnh hiểm nghèo (mỗi phần quà trị giá 2 triệu đồng tiền mặt) và 34 trường hợp hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần quà trị giá 500 ngàn đồng. Công đoàn Sở KH&CN hỗ trợ 9 trường hợp bị bệnh hiểm nghèo và 34 trường hợp hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 34 triệu đồng.

04HDKHLVtraoquatetGiapthinh1.jpg

Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại buổi lễ trao quà tết Giáp Thìn 2024 cho viên chức, người lao động bệnh hiểm nghèo và có hoàn cảnh khó khăn  

Theo ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở KH&CN), chương trình trao quà hỗ trợ các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo và có hoàn cảnh khó khăn là một hoạt động thường niên của Công đoàn Sở KH&CN TP.HCM nhằm góp phần chăm lo, động viên, hỗ trợ kịp thời cho các công đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Sở có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, nhân dịp xuân về. Năm 2023, chương trình tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí từ CĐVCTP. Việc trao tặng những phần quà tuy giá trị không lớn nhưng là nguồn động viên, thể hiện sự quan tâm, khích lệ, tri ân của công đoàn đến người lao động, giúp họ tăng thêm động lực trong công tác, đặc biệt là trong lĩnh vực đặc thù như hoạt động KH&CN.

04HDKHLVtraoquatetGiapthinh9ok.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu tại buổi lễ 

Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) gởi lời chúc tết, động viên đến công chức, viên chức, người lao động đã có những đóng góp cho hoạt động của Sở trong năm 2023. Đồng thời chia sẻ mong muốn trong năm 2024, người lao động tại Sở sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được Thành phố giao, qua đó đóng góp cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 tại TP.HCM.

Một số hình ảnh tại buổi lễ trao tặng quà hỗ trợ tết Giáp Thìn 2024:

04HDKHLVtraoquatetGiapthinh2.jpg

04HDKHLVtraoquatetGiapthinh3.jpg

04HDKHLVtraoquatetGiapthinh5.jpg

04HDKHLVtraoquatetGiapthinh6.jpg

04HDKHLVtraoquatetGiapthinh4.jpg

04HDKHLVtraoquatetGiapthinh7ok.jpg

Nhân dịp này, Hội Cựu chiến binh Sở KH&CN cũng trao tặng các phần quà cho các hội viên đón xuân.

Lam Vân (CESTI)

Giải thưởng Sáng chế TP.HCM do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát động theo chu kỳ 2 năm một lần. Năm 2022 - 2023 là kỳ Giải thưởng lần thứ VII của Thành phố. Kết quả Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ VII không có hồ sơ đoạt giải Nhất và giải Nhì, có 4 hồ sơ đạt giải Ba và 4 hồ sơ đạt giải Khuyến khích.

Chiều ngày 15/01/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức lễ Tổng kết và trao giải Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ VII. Tham dự buổi Lễ, về phía Ban tổ chức Giải thưởng có bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng) cùng các thành viên Ban tổ chức gồm: ông Trần Văn Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM; ông Huỳnh Thanh Công -  Phó Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM; ông Bùi Văn Quyền - Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng thư ký Hội Sáng chế; ông Nguyễn Công Tĩnh - Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng thư ký Hội Sở hữu trí tuệ. Về phía Hội đồng chấm giải có ông Nguyễn Đại Hải - Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng (Chủ tịch Hội đồng chấm giải)… cùng hơn 50 đại biểu là đại diện các Sở ngành Thành phố, các trường đại học và đặc biệt là chủ sở hữu và tác giả sáng chế.

1512024ht2.jpg

Đại biểu tham dự Lễ Tổng kết và trao giải Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ VII

Phát biểu tại buổi Lễ Tổng kết và trao giải Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ VII, bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng) nhận định, sáng chế đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Từ năm 2008, Giải thưởng Sáng chế TP.HCM ra đời với mục tiêu: Thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tiến bộ khoa học và công nghệ trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả tạo ra các giá trị mới trong các lĩnh vực hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, thúc đẩy gia tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích đối với các đầu tư nghiên cứu và sáng tạo của mọi chủ thể trên địa bàn Thành phố nhằm tạo cơ sở cho việc thương mại, chuyển giao kết quả cho các ngành công nghiệp, cũng như tạo cơ hội và khả năng xúc tiến thương mại các kết quả đầu tư sáng tạo.

1512024ht1.jpg

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng) phát biểu tại buổi Lễ Tổng kết và trao giải

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Huệ, năm 2023 là lần thứ VII Giải thưởng Sáng chế TP.HCM được tổ chức để tôn vinh các sáng chế đã được thương mại hóa và có tiềm năng thương mại cao. Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ VII cũng là năm có số lượng hồ sơ tham dự nhiều nhất so với 6 lần tổ chức trước đó, với hơn 30 hồ sơ lọt vào vòng chấm giải. Kết quả Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ VII không có hồ sơ đoạt giải Nhất và giải Nhì, có 4 hồ sơ đạt giải Ba và 4 hồ sơ đạt giải Khuyến khích.

“Trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phát động và tiếp nhận hồ sơ dự thi Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ VIII. Và để nâng cao hơn nữa chất lượng của Giải thưởng thì Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố cũng mong nhận được các góp ý của Quý Hội đồng cũng như các tác giả về thể lệ và các quy định của Giải thưởng. Nhân buổi Lễ Tổng kết và trao giải ngày hôm nay, cho phép tôi thay mặt Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM gửi lời cảm ơn chân thành đến Quý thành viên Hội đồng giám khảo, các thành viên Ban tổ chức Giải thưởng, các tác giả sáng chế đã tham gia dự thi và đặc biệt xin chúc mừng các tác giả đoạt giải Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ VII. Trong thời gian tới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM luôn mong muốn nhận được sự quan tâm của các nhà sáng chế, các doanh nghiệp, trường, viện, trung tâm nghiên cứu đối với các chương trình của Sở, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung”, bà Nguyễn Thị Kim Huệ chia sẻ.

1512024ht3.jpg

Đại diện Ban tổ chức, ông Huỳnh Thanh Công và ông Bùi Văn Cường trao giải cho 4 nhà sáng chế đạt giải Khuyến khích

1512024ht4.jpg

Đại diên Ban tổ chức, bà Nguyễn Thị Kim Huệ và ông Nguyễn Đại Hải trao giải cho 4 nhà sáng chế đạt giải Ba 

1512024ht5.jpg

Đại diện Ban tổ chức, Hội đồng chấm giải và các cá nhân, tổ chức đạt giải cùng chụp hình lưu niệm

Danh sách các tổ chức, cá nhân đạt giải Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ VII

STT

Sáng chế

Chủ sở hữu

Tác giả

Giải

1

Cơ cấu bù xung đồng bộ cho động cơ Servo (Số bằng độc quyền sáng chế: 31484)

Nguyễn Phi Bằng

Nguyễn Bá Duy

Nguyễn Phi Bằng

Nguyễn Bá Duy

Ba

2

Thiết bị cân bằng động chi tiết quay (Số bằng độc quyền sáng chế: 32356)

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM

Lê Đình Tuân

Ba

3

Thiết bị sản xuất khí đốt từ trấu (Số bằng độc quyền sáng chế: 22289)

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Máy công nghiệp (R&D Tech), trường Đại học Công nghiệp TP.HCM

Bùi Trung Thành

Ba

4

Quy trình sản xuất sản phẩm yến sào thực dưỡng ở dạng gói và dùng liền trên cơ sở hỗn hợp của tổ yến và hương liệu tự nhiên, sản phẩm yếu sào thực dưỡng được sản xuất bằng quy trình này và phương pháp sử dụng sản phẩm yến sào này (Số bằng độc quyền sáng chế: 26914)

Trần Thị Triệu

Phan Trần Đức Liên

Trần Thị Triệu

Phan Trần Đức Liên

Ba

5

Quy trình điều chế tinh thể nano curcumin phân tán trong dung dịch ở nồng độ cao bằng phương pháp nghiền ướt (Số bằng độc quyền giải pháp hữu ích: 1795)

Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao

Đỗ Thanh Sinh

Lê Văn Giắt

Trần Phước Toan

Phạm Hùng Nam

Tiêu Tư Doanh

Lương Thị Anh Đào

Khuyến khích

6

Xẻng cạp bùn (Số bằng độc quyền giải pháp hữu ích: 2472)

Công ty TNHH Thoát nước đô thị TP.HCM

Hoàng Ngọc Huyền

Nguyễn Tấn Dư

Khuyến khích

7

Bàn chân giả với khớp mắt cá chân đa trục (Số bằng độc quyền sáng chế: 32899)

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Phạm Huy Tuân

Nguyễn Văn Khiển

Khuyến khích

8

Phương pháp xác định nguồn gốc địa lý và tuổi thành tạo tương đối của hổ phách tự nhiên (Số bằng giải pháp hữu ích: 2681)

Lê Ngọc Năng

Lê Ngọc Năng

Khuyến khích

 Nhật Linh (CESTI)

Thông qua các chỉ số đo lường kết quả tác động, Thành phố có cơ sở đánh giá về mức độ thành công của Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” khi tổng kết và có cơ sở đề xuất điều chỉnh, bổ sung giai đoạn tiếp theo (nếu có).

Ngày 11/1/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” và “Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 11 tháng 11 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố có gần 2.300 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (chiếm 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước), hơn 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, 53 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 97 Trường đại học và cao đẳng, hơn 500 sự kiện khởi nghiệp và gần 80 cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức mỗi năm. TP.HCM đang tiến gần đến Top 100 Thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Do đó, việc hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế không chỉ nhằm nâng cao vị thế của Thành phố về khoa học và công nghệ ở khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, mà cũng sẽ lan tỏa mạnh hơn khoa học và công nghệ đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

DeanCoE.jpg

Mục tiêu của Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” là hỗ trợ một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập có tiềm lực trên địa bàn TP.HCM phát triển trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 02 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế; đến năm 2030 có ít nhất 05 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế; đến 2045 có ít nhất 05 đơn vị đạt chuẩn quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương (Q. Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), trong giai đoạn 5 năm (kể từ thời điểm được phê duyệt tham gia Đề án), tổ chức khoa học và công nghệ công lập phấn đấu đạt được các tiêu chí gồm: Công bố trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus; Được cấp ít nhất 05 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, hoặc 10 văn bằng bảo hộ giống cây trồng, hoặc 05 văn bằng bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Có ít nhất 10 hoạt động chuyển giao công nghệ, hoặc 10 hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoặc có 01 sản phẩm khoa học và công nghệ được công nhận; Có ít nhất 03 hợp đồng hợp tác nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo với các tổ chức nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức khoa học và công nghệ công lập cũng cần có năng lực phát triển bền vững, năng lực lãnh đạo, quản trị tổ chức và hiệu quả ứng dụng phục vụ phát triển Thành phố.

Để được tham gia Đề án, tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần chuẩn bị hồ sơ năng lực giới thiệu các nội dung gồm: Chương trình, dự án khoa học và công nghệ trong giai đoạn từ 3-5 năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng định hướng phát triển của Thành phố; Kế hoạch hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; Hồ sơ minh chứng năng lực, nguồn lực để đảm bảo tổ chức thực hiện chương trình, dự án khoa học và công nghệ.

Hoàng Kim (CESTI)

Ngày 09/01/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.

1012024ht.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đánh giá, năm 2023 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đã chủ động, tích cực trong tham mưu các cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được ban hành tại Nghị quyết số 98/2023/QH15. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể trong năm 2023, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ. Thành phố đã hỗ trợ 2.586 doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đạt 287,33% kế hoạch năm; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 308 dự án, đạt 102,67% kế hoạch năm; hỗ trợ 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, đạt 133,33% kế hoạch năm.

TS. Lê Thanh Minh đánh giá hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM ngày càng lớn mạnh với các hoạt động kết nối, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra sôi nổi và tăng trưởng đáng kể với gần 200 Quỹ đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được các nguồn lực xã hội quan tâm, huy động đầu tư thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước và trong nhóm 100 hệ sinh thái dẫn đầu toàn cầu. Điều này góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2023, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế.

Đáng chú ý trong năm 2023, đã có 125 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp với tổng số tiền trích Quỹ hơn 5.509 tỷ đồng, số tiền chi sử dụng Quỹ gần 1.912 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, có đến hơn 2.300 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (chiếm 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước).

1012024HT1.jpg

TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Cũng theo TS. Lê Thanh Minh cho biết trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 672, thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần đạt và vượt chỉ tiêu của Đề án 672 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố. Đồng thời, tổ chức thực hiện Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã được HĐND và UBND Thành phố ban hành. Cũng như, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực công và chuyển đổi số gắn với Chủ đề công tác năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

Trong năm 2024, sẽ triển khai Đề án kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP.HCM với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai và mở rộng hoạt động kết nối, chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo với các tỉnh. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ, nghiên cứu giải pháp giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Cũng như, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

1012024ht2.jpg

TS. Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đề nghị công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở phải tiếp tục gắn các nhiệm vụ với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố. Trong đó, cần phát huy mối liên kết giữa các phòng ban, đơn vị trong Sở để cùng nhau tạo nên những điểm nhấn, cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay các chương trình, đề án trọng tâm cũng đã được Thành phố thông qua nên các phòng ban đơn vị cần thúc đẩy triển khai theo đúng tiến độ. Đặc biệt, Giám đốc Sở cũng nhắc nhở mỗi cán bộ công chức, viên chức cần học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, đặc biệt học tập Bác về tính tự học, tinh thần trách nhiệm và tinh thần sáng tạo.

Cũng tại Hội nghị, Ban Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã trao Giấy khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích hoạt động nổi bật trong năm 2023.

1012024HT3.jpg

1012024ht4.jpg

1012024ht5.jpg

1012024ht6.jpg

Nhật Linh (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353